• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tìm hiểu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tiết kiệm

Văn hoá 08/05/2020 15:13

(Tổ Quốc) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu. Bởi những điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ trong kháng chiến chống xâm lược giành độc lập dân tộc mà còn trong hòa bình, xây dựng và kiến thiết nước nhà. Vì vậy Người đã có nhiều bài nói, bài viết về những vấn đề đó. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nêu một vài quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tiết kiệm.

Tìm hiểu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tiết kiệm - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi thành lập nước, hoàn cảnh đất nước đang chồng chất khó khăn và thiếu thốn do hậu quả của chế độ thực dân và phong kiến để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi nói về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính”(1)

Trong lúc thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc, các cơ quan Trung ương phải di chuyển nhiều, đòi hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tập trung nhiều tâm trí cũng như thời gian cho cuộc kháng chiến, nhưng tháng 3-1947 Người vẫn dành thời gian hoàn thành tác phẩm Đời sống mới, trong đó Người yêu cầu, nhắc nhở các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân thực hiện đời sống mới vì “thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”(2). Và thực hành đời sống mới chính là thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đạo đức cách mạng, đạo đức của người cách mạng. Thực hành cần, kiệm, liêm, chính lúc này không còn là khẩu hiệu chung chung nữa mà nó phải được cán bộ, đảng viên thực hiện và tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, trong toàn thể nhân dân thực hiện. Giữa năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” bằng 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng, đăng báo Cứu Quốc để giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên và toàn thể nhân dân. Trong bài “Kiệm” là một trong 4 bài của cuốn sách trên, trả lời cho câu hỏi Kiệm là thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(3) Người cũng giải thích: Tiết kiệm không phải là bủn xỉn.

Khi không cần tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm.

“Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm”

“Tiết kiệm là phải kiên quyết không xa xỉ”(4)

Việc nước bộn bề, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp càng đi vào giai đoạn quyết liệt, lúc này cần phải tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Năm 1952, nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Trong bài nói chuyện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một cách cụ thể: Tiết kiệm là gì?; Vì sao phải tiết kiệm?; Tiết kiệm những gì?’ Ai cần phải tiết kiệm?... Và một lần nữa Người lại chỉ rõ “tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”(5). Người cũng kêu gọi “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm”, “tiết kiệm sức lao động”, “tiết kiệm thời gian”, “tiết kiệm tiền của”, đặc biệt là “vừa thi đua tăng gia sản xuất, vừa thi đua tiết kiệm” để đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc nhanh chóng thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở các cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải làm tốt việc tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, vì đây là biện pháp để tăng vốn tích lũy cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp cũng như chống đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc của nhân dân ta được tiến hành trong điều kiện nước ta là một nước nông nghiệp, nền kinh tế cũng như cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nghèo, phương tiện chiến đấu thô sơ, vì thế chúng ta phải trường kỳ kháng chiến, phải biết tiết kiệm để cuộc kháng chiến của nhân dân đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Miền Bắc được giải phóng, cùng một lúc nhân dân ta phải tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà. Để làm tốt cả hai nhiệm vụ chiến lược đó, hơn lúc nào hết việc sản xuất cũng như tiết kiệm phải rất được coi trọng, vì tiết kiệm là quốc sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to”(6); “chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, công quỹ đã bớt đi một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra”(7). Vì thế phải biết sử dụng tiền bạc, sức lực của nhân dân một cách hợp lý. Vì “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”(8).

Trong những bài viết, bài nói chuyện về vấn đề tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở, yêu cầu “người yêu nước phải thi đua thực hành tiết kiệm”(9) và đi đôi với việc thực hành tiết kiệm phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu vì ruộng đất, máy móc không tự nó làm ra của cải mà phải do sức lao động của người sáng tạo nên nó. Vì vậy nếu làm ra bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu thì không lại hoàn không, “sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”(10) và “tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”(11). Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán những việc gây ra sự lãng phí, tổn thất về thời gian, sức lao động, vật tư, tiền của của nhân dân và Nhà nước. Người cho đó là kẻ thù của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vạch ra nguồn gốc, nguyên nhân của việc gây lãng phí, đó là bệnh quan liêu và “hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo”, “hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công”... vì thế phải kiên quyết chống bệnh lãng phí, chống việc hội họp lu bù, chống việc làm ẩu các sản phẩm làm ra không sử dụng được, chống việc liên hoan, ăn uống bừa bãi... Người cho hoang phí cũng là một tội ác vì nó góp phần gây nên những tiêu cực trong xã hội. Muốn làm tốt việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hành trước và biến nó thành phong trào quần chúng rộng rãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”(12).

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề thực hành tiết kiệm, về chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu không chỉ được Người đề cập, nêu ra ở những bài nói, bài viết của mình, mà bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính. Ngay từ khi còn nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang trong mình những đức tính tốt đẹp của miền quê Nghệ An giàu truyền thống cách mạng, đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần hiếu học, đức tính cần cù, chịu khó trong lao động và đặc biệt là tính tiết kiệm. Những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, Người đã phải lao động vất vả bằng nhiều nghề khác nhau để kiếm sống và hoạt động cách mạng, vì thế hơn ai hết, Người rất hiểu giá trị của lao động. Khi đã là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống rất giản dị, tiết kiệm. Người ghét lối sống cầu kỳ, xa hoa. Sự giản dị, tiết kiệm của Người được thể hiện trong cách ứng xử từ lời nói đến việc làm, từ cách ăn, mặc, ở và những sinh hoạt hàng ngày. Tác phong bình dị ấy mang lại một sự gần gũi, một ấn tượng khó quên với những ai đã được gặp Người dù chỉ một lần.

Bữa ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không cao lương, mỹ vị, mà như các món ăn của các gia đình Việt Nam thường dùng: bát canh, quả cà, khúc cá kho hoặc miếng thịt kho. Người ăn vừa đủ và không bao giờ để thức ăn thừa. Năm 1957, về thăm quê, khi ăn cơm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Người để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình. Những người phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kể lại rằng, với thái độ tôn trọng và để tiết kiệm thời gian cho người phục vụ, khi xong bữa ăn Bác Hồ thường tự tay thu dọn bát đũa gọn gàng để người phục vụ chỉ việc bê đi. Khi dùng cơm không bao giờ Bác Hồ để rơi một hạt. Đồng chí Phạm Văn Đồng cho biết: Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ trọng lao động của con người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hòa ở một con người.

Quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc hàng ngày chỉ bình thường, tựa như quần áo của một lão nông. Khi tiếp khách, Người mặc bộ quần áo kaki. Tới khi bộ quần áo kaki của Người đã cũ, được đề nghị thay bộ mới, Người bảo: “Nhiều đồng bao ta nếu có được bộ quần áo thế này cũng là tốt lắm. Thế thì việc gì tôi phải thay”(13). Trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một chiếc tủ đựng tư trang gồm có: Bộ quần áo dạ màu đen mà Người đã mặc một số lần khi đi thăm nước Pháp 1946 và thăm một số nước xã hội chủ nghĩa anh em thời kỳ 1955 – 1958, một vài bộ quần áo lụa màu gụ, tấm áo bông, áo len và đôi dép cao su, đôi guốc mộc Người thường đi hàng ngày.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong ngôi nhà sàn. Khi trở về thủ đô, Người cũng ở trong ngôi nhà nhỏ của một người thợ điện, sau đó chuyển đến ở nhà sàn, chứ không ở ngôi nhà to, sang trọng của toàn quyền Đông Dương, mà dành nơi ấy làm chỗ tiếp khách quốc tế và trong nước của Đảng và Chính phủ. Sự khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng văn hóa, nơi ở và làm việc của Người đã trở thành huyền thoại, nơi mà những du khách đến thăm đều để lại những dòng cảm tưởng sâu sắc, nhất là khách nước ngoài. Như nhà thơ Cuba Phêlich Pitarôdrighết đã viết: “phải nói đó là tinh thần chí công vô tư. Người chỉ sử dụng cho mình những gì tối cần thiết, chứ không phải là bất cứ cái gì cần thiết, chiếc giường, tủ quần áo, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách. Những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc. Chỉ có thế thôi, không gì hơn nữa”(14). Hay như học giả Siphổnôm Vichavôrasan của Thái Lan nhận xét: “Về cá tính, Người chỉ nói ít và chỉ nói những điều cô đọng, là người nhân hậu và khiêm tốn, giản dị... Người chỉ mặc bộ quần áo kaki và chiếc mũ vải kaki, nhiều lần có người đề nghị biếu quần áo sang trọng hơn để Người dùng, thì Người đã nhẹ nhàng từ chối rất khéo rằng: “Dân ta đang nghèo, đang khó khăn nhiều lắm, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”(15)...

Sự tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở tác phong, lối sống mà nó còn được thể hiện trong tác phong làm việc có kế hoạch và khoa học để tiết kiệm thời gian và trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ. Là Chủ tịch nước nhưng những tháng năm sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, đi theo Người chỉ một tổ công tác 8 người và một số rất ít các đồng chí phục vụ kiêm tất cả các công việc. Cách mạng thành công, về Thủ đô, bộ máy giúp việc cho Bác tại Văn phòng ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Những khi đi công tác xa, Người thường tạo điều kiện để các đồng chí phục vụ được về thăm gia đình. Trong cuộc sống, lúc nào, ở đâu Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu tấm gương sáng ngời về tiết kiệm cho nhân dân. Trước lúc đi xa Người vẫn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Người vẫn muốn mọi người thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí.

Thấm nhuần quan điểm về vấn đề tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh tiết kiệm, chống tham ô, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu là một trong những nội dung của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng đã kêu gọi nhân dân xây dựng nếp sống mới giản dị, tiết kiệm nhưng vẫn trang trọng, lịch sự trong ma chay, cưới hỏi và trong các lễ hội. Thực tế còn nhiều bất cập trong thực hiện Pháp lệnh Nhà nước và Lời kêu gọi của Đảng, nhưng hơn lúc nào hết, chúng ta cần suy nghĩ lại những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tiết kiệm để có những hành động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị./.

Chú thích:

1. HCM toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, T.4, tr.8-9.

2. Sđd . T.5, tr.93.

3, 4. Sđd. T.5, tr.636, 637.

5. Sđd. T.6, tr.485.

6. Sđd. T.5, tr.104.

7. Sđd. T.4, tr.158.

8. Sđd. T.5, tr.208-209.

9. Sđd. T.5, tr.639.

10. Sđd. T.8, tr.402.

11. Sđd. T.6, tr.394.

12. Sđd. T.5, tr.642.

13. Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.Nxb Sự thật H. 1984, tr.146.

14. Xem “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật” số 8 năm 1999, tr.17.

15. Hội thảo quốc tế. Nxb Khoa học xã hội. H. 1990, tr.164.

Theo KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

NỔI BẬT TRANG CHỦ