Tìm hiểu về tục xăm mình của người Việt cổ
(Tổ Quốc) - Xăm mình đã tồn tại từ rất xa xưa, nó từng là một tục lệ mang ý nghĩa thiêng liêng của người Việt cổ, được ghi nhận đã rất phổ biến dưới thời nhà Lý, nhà Trần. Trải dài theo thời gian, những hình xăm có lúc giúp nhắc nhở người ta về nguồn cội, để thể hiện một cột mốc quan trọng trong cuộc đời và đôi khi là những ánh nhìn thiếu thân thiện.
Ngày nay việc xăm mình khá phổ biến, nhất là trong giới trẻ như một cách để thể hiện cá tính, cái tôi cá nhân. Ít ai biết rằng, xăm mình còn được coi là một trong những tục lệ cổ xưa nhất của người Việt. Vậy tục xăm mình của người Việt có từ bao giờ và tại sao người ta lại xăm mình?
Khởi nguồn từ chuyện "thủy quái" thời Hùng Vương
Nguồn gốc tục xăm mình của người việt theo các ghi chép cổ được cho xuất phát từ chuyện "thủy quái" thời Hùng Vương, hình xăm thời bấy giờ có ý nghĩa sống còn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Hồng Bàng Thị, thời bấy giờ người dân ở rừng núi tụ họp xuống sông ngòi bắt cá để ăn thường bị con Giao Long làm hại, gây hoang mang cả vùng. Chuyện được bạch lại với vua, vua cho rằng con Giao Long chỉ ưa cùng loài mà ghét khác loài, từ đó gây nên tai nạn. Vua bèn sai mọi người lấy mực vẽ hình giống "thủy quái", từ đó con Giao Long không cắn hại nữa. Tục "vẽ mình" của người Bạch Việt cũng khởi nguồn từ đây.
CON GIAO LONG LÀ CON GÌ?
Trong cuốn Nền văn minh Việt cổ, GS. TSKH Hoàng Tuấn cho biết: "Xưa kia, người Việt cổ sống ở miền sông nước phía Nam sông Dương Tử, là những vùng ngập nước. Xưa nghề nông chưa phát triển, dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, nhưng thường bị loài Giao Long (một loài cá sấu lớn trên các sông ngòi thời xưa) làm hại. Họ đã nghĩ ra cách xăm mình thành người có nhiều vảy như loài Giao Long, để loài này tưởng nhầm là đồng loại sẽ không làm hại".
Trong Sử ký, nhà chú giải sách Ứng Thiệu cũng một lần nữa nhắc lại thông tin này khi giải thích về tục vẽ mình của người Việt rằng: "Vì ở trong nước nên người ta cạo tóc xăm mình để cho giống với Giao Long nên không bị Giao Long hại nữa".
Cùng với cắt tóc ngắn, để đầu trần, đi chân đất thì xăm mình là một tục lệ cũng được người Việt cổ khi xưa thực hiện. Cắt tóc ngắn để dễ đi rừng, đi chân đất để tiện leo cây, ăn trầu cau để trừ ô uế nên răng đen. Còn tục xăm mình từ thời Hùng Vương là một hình thức tín ngưỡng để bảo vệ con người khi xuống nước. Và khi ấy, tục xăm mình hình Giao Long đã được sùng bái. Nhiều người Việt cổ còn thờ Giao Long theo "chế độ Tô-tem" (Totémisme - theo ghi chép của các nhà sử học Pháp, tạm dịch là "vật tổ"), là một trong những hình thức tôn giáo cổ xưa nhất từng tồn tại ở nước Việt. Người theo Tô-tem thờ "vật tổ", tin tưởng vào một kết nối tâm linh thiêng liêng tồn tại giữa những người cùng thị tộc và các loài động thực vật trong tự nhiên.
Trải qua thời gian, nước biển rút dần, dòng sông lớn cũng bớt hung dữ, chế độ Tô-tem lùi dần vào huyền thoại. Tuy nhiên xăm mình thì vẫn còn, "vật tổ" được chọn để xăm lên mình cũng không còn giới hạn ở Giao Long nữa mà còn có hình rồng cao quý...
Tục xăm mình thời Lý-Trần: Vẽ rồng để không quên gốc
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý có chép thời Thánh Tông "cấm những người đầy tớ trong nhà thích (xăm) hình con rồng trên mình". Thời Lý Anh Tông cũng nhắc "kẻ gia nô của bậc vương hầu không được xăm hình rồng ở nơi ngực". Đến thời Lý Nhân Tông chép: "Cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân, như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô".
Kỷ nhà Trần có đoạn chép: "Thượng hoàng nói: "Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu (miền biển), đời đời ưa chuộng hùng dũng, thường thích hình rồng vào đùi; nếp nhà theo nghề võ, nên thích rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".
Về sau, vua nối ngôi không thích ở đùi nữa là bắt đầu từ Trần Anh Tông. "Khi mới dựng nước, quân lính đều thích hình rồng ở bụng, lưng và hai đùi, gọi là vẽ rồng. Khách buôn người Tống thấy dân Việt ta thích hình rồng ở mình, cho là thuồng luồng biển sợ hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm đến, cho nên gọi là vẽ rồng".
Từ dân thường đến hoàng tộc nhà Trần, ai cũng thích xăm mình, đặc biệt những người phục dịch trong triều đình. Đội quân Thánh Dực bảo vệ xa giá được xăm lên trán 3 chữ Thiên Tử Quân (nghĩa là quân đội của Thiên Tử). Tất cả binh sĩ khi ấy đều xăm 2 chữ Sát Thát (tức là giết giặc) trong trận chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
Sự bất khuất ấy càng tô thắm thêm tinh thần bảo vệ tổ quốc, can trường, dũng cảm, và ý chí chiến đấu sắt đá. Như vậy, người Việt cổ thời Vua Hùng xăm mình để sinh tồn, đến thời Lý-Trần trở đi xăm mình thể hiện cho văn hoá cội nguồn và ý chí bảo vệ độc lập nước nhà.
Ý nghĩa của hình xăm qua thời gian
Xưa kia người Việt cổ đã dùng mực xăm tạo từ than củi nghiền vụn hoặc bồ hóng, thêm xương động vật nghiền mịn vào. Để tạo đường nét, người xưa dùng mẩu tre nhọn hoặc kim khâu. Tiếp đó nhúng mực, dùng vồ để đóng nhẹ vào da thành các đường nét hình thù.
Một số nước Nam Á khác dùng mực xăm từ cây lá móng hoặc trộn với bột lá cây khác như lá chè, lá cà phê,... Và đến năm 1891, chiếc máy xăm chạy bằng điện đầu tiên ra đời, bởi một người đàn ông tên Samuel O'Reilly. Trải qua hàng nghìn năm, xăm mình đã có những biến đổi nhất định, trở thành một bộ môn nghệ thuật và đôi khi, là hình thức thể hiện tâm linh của nhiều dân tộc trên thế giới.
Chẳng hạn như người Polynesia cổ (ở New Zealand và Hawaii), trước khi có chữ viết, họ xăm mình để thể hiện bản thân. Hoặc như người Maori (tộc người phát hiện ra New Zealand), họ xăm lên mặt, trán để thể hiện sự kế thừa, địa vị và sự hiểu biết của mỗi người.
Thời hiện đại, hình xăm ở các quốc gia khác nhau mang ý nghĩa rất khác biệt với nhiều quy định và cũng được nhìn nhận rất khác. Ở Nhật Bản, hình xăm được coi là biểu tượng tâm linh, dùng để trang điểm cho cơ thể, và đôi khi cũng là hình phạt. Irezumi hay xăm Nhật cổ nổi tiếng gắn liền với tội ác và hình ảnh các băng đảng yakuza khét tiếng. Và nhìn chung, người Nhật không mấy thiện cảm với xăm mình.
Ở Đức lại khác, người ta không quá khắt khe với chuyện "xăm trổ" nhưng Bộ luật hình sự của nước này cấm xăm một số ký hiệu, biểu tượng nhất định, trong đó có có các ký hiệu và biểu tượng liên quan tới Đức Quốc xã. Đan Mạch thì cấm tất cả các hình xăm ở bàn tay, cổ và mặt từ năm 1966, những người mang hình xăm này là người phạm pháp. Tuy nhiên hiện này có phần đã nới lỏng.
Còn ở Việt Nam, hình xăm khá phổ biến, nhất là với giới trẻ. Trước đây xăm mình cũng không được nhìn nhận một cách thân thiện, bởi nó gắn liền với những hình xăm "hổ báo", "đại bàng" chốn tù tội, là "giấy chứng nhận có số má" với dân giang hồ. Nay mọi chuyện cũng đã khác. Việc xăm mình mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ nhiều hơn, hình xăm cũng thể hiện cá tính, cái tôi của chủ nhân hay một kỷ niệm đáng nhớ nào đó trong đời họ. "Xăm trổ chưa chắc đã hổ báo" - câu nói phổ biến với người dùng mạng xã hội phần nào thể hiện quan điểm cởi mở hơn với xăm mình.