(Tổ Quốc) - Trăm năm trước, mỗi dịp Tết đến, dòng tranh đỏ Kim Hoàng được người dân Hà Nội mua về treo để trấn trạch, trừ tà, xua đi những điều không may của năm cũ và chào đón những điều may mắn trong năm mới.
Hồi sinh làng tranh Kim Hoàng
Mang những ưu điểm của cả hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống, tranh Đỏ Kim Hoàng từng có thời biểu trưng cho sự may mắn, là dòng tranh được người kinh kỳ ưa chuộng mỗi dịp Tết đến. Sau gần 100 năm đứt đoạn, dòng tranh đang dần được phục hồi bởi những người tâm huyết với di sản.
Linh vật Nghê- một sản phẩm mới của dòng tranh Kim Hoàng phù hợp với năm Mậu Tuất |
Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức- Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ 18, và là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Từng có thời kỳ, mỗi dịp Tết đến, người Hà Nội tìm mua tranh Kim Hoàng về treo như để cầu mong một năm mới may mắn.
Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng. Ngoài ra tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt là những câu thơ Hán tự được viết theo lỗi chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh. Đây là những nét độc đáo, đặc sắc giúp tạo nên giá trị riêng cho dòng tranh dân gian Kim Hoàng.
Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn gọi là tranh Đỏ.
Mong muốn khôi phục và đưa tranh Kim Hoàng thành sản phẩm du lịch ở Vân Canh |
Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng in ra từ một bản khắc. Đây là điểm ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.
Tuy nhiên, năm 1915 nạn lụt lớn đã cuốn trôi rất nhiều ván in, tiếp theo là mất mùa, đói kém, dòng tranh này suy thoái đến năm 1945 thì mất hẳn. Hiện chỉ còn vài tranh như “Đức Lưu Quang”, “Phúc Mãn Đường”, “Gà”, “Lợn” (hai tranh này sau còn ván in lưu giữ ở Bảo Tàng Mĩ Thuật Việt Nam). Một số tranh khác in trong tài liệu xuất bản của người Pháp.
Năm 2015, nhà sưu tầm Nguyễn Thu Hòa bắt đầu triển khai Dự án Khôi phục làng nghề Kim Hoàng. Tháng 11 năm 2016 một số bản tranh của làng Kim Hoàng đã được bán trên thị trường và nhận được sự yêu mến của người dân Thủ đô. Đặc biệt, mới đây nghệ nhân của làng tranh Kim Hoàng đã sang Hàn Quốc để giới thiệu về dòng tranh này với bạn bè quốc tế.
Mong có nhiều “truyền nhân”
Nếu như tranh Đông Hồ hiện chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiêm là người nặng lòng, thì tranh Kim Hoàng hiện cũng chỉ có một người kế thừa duy nhất. Người đó là anh Đào Đình Trung (sinh năm 1980), một người con của làng Kim Hoàng. Anh Trung là người được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa “phát hiện” có những phẩm chất phù hợp để có thể theo đuổi dòng tranh dân gian. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cũng là người đã dìu dắt, hướng dẫn, tạo điều kiện để anh Trung “tầm sư học đạo” một số nghệ nhân làm tranh và học chữ Hán.
Dòng tranh Kim Hoàng hội đủ yếu tố của dòng tranh Hàng Trống và Đông Hồ nhưng có nét đặc sắc riêng biệt |
Ngày chúng tôi ghé thăm, anh Trung đang miệt mài vẽ những bức tranh được tạo từ bản khắc linh vật Việt. Đây là mẫu tranh Nghê được nghệ nhân của làng tranh Kim Hoàng đã về tận đền vua Đinh, vua Lê và lấy nguyên mẫu hình tượng để làm biểu tượng tranh năm nay. Anh Trung cho biết, là người con của Kim Hoàng, từ nhỏ khi anh “mò mẫm” tìm hiểu về các bản khắc cũ kỹ được gác ở trong nhà đã được ông bà, cha mẹ kể về một dòng tranh quý của làng bị mai một. Lớn lên theo học ngành mỹ thuật, hiểu thêm về dòng tranh Kim Hoàng, anh đã mong muốn khôi phục lại. May mắn gặp nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, anh được hỗ trợ học tập, tìm hiểu, nghiên cứu để “hồi sinh” văn hóa của làng. Tuy nhiên, anh Trung mong muốn có thêm nhiều người tâm huyết cùng anh gìn giữ, khôi phục dòng tranh từng một thời là niềm tự hào của người dân Vân Canh.
Tâm nguyện của anh Trung cũng là tâm nguyện của đông đảo người dân xã Vân Canh. Bởi vậy, ngay từ khi khởi động, dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của người dân xã Vân Canh. Hiện nay, bên cạnh đình làng Kim Hoàng, bà Thu Hòa đã được chính quyền và nhân dân cho mượn địa điểm để làm nơi sản xuất, truyền dạy nghề làm tranh.
Nghệ nhân Đào Đình Trung- nghệ nhân duy nhất của dòng tranh Kim Hoàng |
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hòa: Sau hơn 70 năm bị ngắt quãng, những bản khắc gỗ của dòng tranh đỏ Kim Hoàng dường như bị “hóa thạch”, đó lại là một điều hay bởi các mẫu tranh cũ không bị lai tạp. Hiện chị mới khôi phục được khoảng 30% mẫu tranh Kim Hoàng, mỗi năm sẽ khôi phục và sáng tạo ra mẫu mới, đặc biệt là 12 con giáp để phục vụ bà con dịp Tết Nguyên Đán.
Các mảng chạm của Kim Hoàng rất đẹp có những hình người vật nhau, người cưỡi tiên… Tết Mậu Tuất là tết thứ hai, dòng tranh Kim Hoàng được bán tại một số địa điểm như Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn và một số địa điểm trong khu vực Hà Nội. Năm nay, ngoài tranh bán được nhiều nhất như lợn, gà... còn có thêm mẫu nghê, một linh vật Việt quen thuộc mang biểu trưng cho sự hoan hỉ, vui tươi. Để tạo hình con nghê, nghệ nhân tranh Kim Hoàng phải về tận đình vua Đinh, vua Lê để tạo mẫu 2D mới ra được tác phẩm nghê mà theo nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật là tuyệt đẹp.
Theo chị Thu Hòa, việc khôi phục làng tranh Kim Hoàng hiện mới chỉ là bước khởi đầu, để làng tranh phát triển cần một chiến lược lâu dài. Đó là phát triển tranh qua du lịch. Để thực hiện mục tiếu đó, trong năm tới, dự án sẽ tiếp tục đào tạo lớp nghệ nhân trẻ của làng. Bởi tranh Kim Hoàng phải do người dân của làng thực hiện, còn học chỉ là tác nhân để hoàn thành nét vẽ. Ngoài ra, những người thực hiện dự án cũng mong muốn chính quyền địa phương cấp đất cho dự án có địa điểm thực hiện. Bên cạnh đó, đình làng Kim Hoàng cũng cần được tôn tạo là không gian để du khách đến thăm quan và chiêm ngưỡng tranh.
Chị Hòa cũng cho biết, lợi nhuận thu từ việc bán tranh hiện nay chưa nhiều, năm 2017 bán được khoảng 50 triệu tiền tranh, năm nay với nhiều khách đặt mua trước, có thể thu về khoảng 150 triệu. Con số này chưa đủ để đầu tư vào sản xuất tranh, không nói đến lợi nhuận.
Mong muốn của chị Hòa là có thể xây dựng một chuỗi du lịch tìm hiểu về dòng tranh Kim Hoàng cho du khách đến tham quan, khám phá. Để làm được điều này, theo chị Hòa, cần sự ủng hộ từ chính quyền xã Vân Canh.
Chủ tịch UBND xã Vân Canh Nguyễn Viết Khánh cho biết, địa phương đã bố trí quỹ đất rộng chừng 1.500m2 để nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai dự án phục dựng tranh Kim Hoàng. Để bảo tồn và phát huy giá trị dòng tranh dân gian này, UBND huyện Hoài Đức cũng đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ kinh phí phục dựng. Đây cũng là đáp ứng mong muốn của người dân địa phương phát triển Kim Hoàng trở thành làng nghề gắn với du lịch, giới thiệu được một dòng tranh dân gian đã từng ghi dấu ấn trong lịch sử văn hóa của mảnh đất kinh kỳ./.
Bài,ảnh: Hoàng Nguyên