• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​Tín hiệu lạc quan từ “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018”

14/04/2018 08:20

(Cinet) - Khai mạc tối 11/4, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018” năm nay được tổ chức với nhiều nét mới mang đến những tín hiệu lạc quan cho sân khấu nước nhà.

(Cinet) - Khai mạc tối 11/4, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018” năm nay được tổ chức với nhiều nét mới mang đến những tín hiệu lạc quan cho sân khấu nước nhà.



Tổ chức định kỳ 3 năm một lần, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc” là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói, các nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật, đồng thời tôn vinh các đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên có những đóng góp tích cực đối với hoạt động sân khấu kịch nói nước nhà.



Năm nay, Liên hoan kịch nói toàn quốc là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các Cuộc thi, Liên hoan sẽ diễn ra trong năm. Đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Đề án điều chỉnh cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong 3 năm 2018 - 2020, nhằm tiếp tục tạo sự ổn định, phát triển nghệ thuật; thúc đẩy lao động sáng tạo nghệ thuật cho các đơn vị trong và ngoài công lập, các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.

Nhà hát Tuổi trẻ mang đến vở diễn "Hoa cúc xanh trên đầm lầy". Ảnh: Diệu Hằng



Khác với nhiều năm, năm nay Ban Tổ chức lựa chọn thành phố Hồ Chí Minh – nơi có hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển nhất cả nước làm địa điểm diễn ra liên hoan. Điều này đã tạo thuận lợi cho rất nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa có cơ hội tham dự liên hoan. Cụ thể, trong 22 đơn vị tham dự liên hoan năm nay đã có đến 13 đơn vị ngoài công lập (chiếm đến 59% các đơn vị tham dự) như: Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Công ty CP SK&ĐA Vân Tuấn, Công ty TNHH Dịch vụ Giải trí Sân khấu BUFFALO, Công ty TNHH Một thành viên Xúc tiến thương mại và Tổ chức biểu diễn TKC, Công ty TNHH Giải trí Minh Nhí, Công ty CP TTQC Sài Gòn phẳng, Công ty TNHH Nụ cười mới... Sự góp mặt đông đảo của các đơn vị ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thật sự là một tín hiệu đáng mừng. Đồng thời thể hiện rõ tính “mở” của Liên hoan năm nay. Việc Ban Tổ chức mở rộng điểm diễn phụ trợ, một số đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh có thể biểu diễn ngay tại sân khấu của mình đã giúp giảm bớt khó khăn về đi lại và kinh phí cho các đơn vị.



>> Lịch biểu diễn của các đơn vị tham gia "Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018"

Vở "Đám cưới chùm" của Công ty TNHH Nụ cười mới . Ảnh: BTC



Theo nhà phê bình Lê Quý Hiền, “liên hoan là sự hội tụ của một chặng đường sân khấu, để nhìn lại những kết quả đã qua”. Việc thay đổi từ một “Cuộc thi” sang “Liên hoan” đã góp phần rộng mở cánh cửa đối với các đơn vị nghệ thuật. Không còn là sự “ganh đua”, “thi đấu” để lấy huy chương, các vở diễn sẽ được trở về với đúng bản chất, để truyền thông điệp nhân văn, những giá trị tốt đẹp đến với khán giả. Bởi suy cho cùng, bản chất sân khấu là làm cho khán giả, cho nhân dân.



Khác với các kỳ Liên hoan trước, năm nay thời lượng vở diễn được rút ngắn còn từ  90 đến 120 phút. Theo Ban tổ chức, đây là một sự thay đổi mang tính điều chỉnh, phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại. 



Bên cạnh đó, quy chế Chấm giải  và Khen thưởng cũng có điểm mới, khi quy định tặng giải thưởng xuất sắc nhất cho 01 đạo diễn trẻ có tuổi đời không quá 35. Hiện nay, lực lượng đạo diễn thực sự xuất sắc đã khá lớn tuổi nên đây cũng là cách khuyến khích, tìm kiếm, ươm mầm những tài năng trẻ kịch nói trong tương lai.

Do không hạn chế đề tài nên đề tài tham dự Liên hoan năm nay rất phong phú và đa dạng

Hình ảnh trong vở diễn "Bão tố Trường Sơn" của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn. 



Mặt khác, năm nay Ban Tổ chức không giới hạn đề tài nên đề tài tham dự Liên hoan năm nay rất phong phú và đa dạng, mang đến cho Liên hoan nhiều sắc màu. Nếu các đoàn phía Bắc mạnh về đề tài cách mạng, ca ngợi người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ như: “Tình đồng đội” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn – Thanh Hóa); “Bão tố Trường Sơn” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Bản tình ca viết dở” (Đoàn Kịch nói Nam Định)…thì các đơn vị phía Nam lại đi sâu vào khai thác đề tài gia đình, những mối quan hệ trong xã hội như: “Gương mặt kẻ khác” (Nhà hát 5B); “Mua chồng 30 vạn” (Công ty Sài Gòn phẳng); “Thiên thần nhỏ của tôi” (Sân khấu Hồng Hạc); “Tiếng vạc sành” (Sân khấu Minh Nhí); “Lũ quỷ sống” (Công ty TNHH sân khấu – điện ảnh Gia Đình)… NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL tin tưởng thông qua Liên hoan, các nghệ sĩ sẽ không ngừng sáng tạo, nỗ lực cống hiến cho khán giả và người dân những vở diễn hay, giàu tính nhân văn.



Bên cạnh đó, đặt mục tiêu hỗ trợ tối ưu cho các đoàn tham dự, ngay trước thềm Liên hoan Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã có buổi làm việc với các đơn vị để lắng nghe, trao đổi, giải đáp và đưa ra những quyết sách kịp thời.



Hy vọng với những đổi mới trong công tác tổ chức, “Liên hoan Kịch toàn quốc” sẽ xứng đáng là điểm hẹn để các  nghệ sĩ cùng giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, thử nghiệm những sáng tạo mới, mang đến những vở diễn đặc sắc phục vụ nhân dân, để sân khấu kịch nói tiếp tục phát triển và đồng hành cùng cuộc sống./.
 



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ