(Tổ Quốc) - Lâu nay công tác tuyển sinh ngành xiếc chỉ thu hút các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa thì năm nay, lượng học sinh đến từ nội thành đã tăng cao, trong đó có nhiều em đến từ những gia đình cán bộ, viên chức. Đây là tín hiệu vui, cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề xiếc đang dần cởi mở hơn.
Tại Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thắng lớn với 7 giải thưởng. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, NSƯT Ngô Lê Thắng, người được trao giải Đạo diễn xuất sắc của Cuộc thi đã có cuộc chia sẻ về những nỗ lực sáng tạo và cả trăn trở trong công tác đào tạo nghệ thuật thông qua chất lượng của các tiết mục tham gia Cuộc thi.
+ Vượt qua những "đối thủ" nặng ký là các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, thầy và trò Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã giành được 7 giải thưởng cao tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 trong đó có 1 giải Nhất, hai giải Nhì cho tiết mục và cá nhân ông được trao giải Đạo diễn xuất sắc, ông có thể chia sẻ điều gì đã giúp cho trường có được thành tích này?
NSƯT Ngô Lê Thắng: Cuộc thi quy tụ nhiều diễn viên gạo cội của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp còn thí sinh dự thi từ trường Xiếc đều là các em học sinh có tuổi nghề rất trẻ. Việc đạt nhiều giải thưởng lớn tại cuộc thi chính là "trái ngọt" gặt hái được sau quá trình luyện tập vất vả, hy sinh hết mình vì nghệ thuật của các em.
Và để đạt được thành tích này, trước hết bởi tính đúng đắn và hiệu quả từ Đề án 1341 "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Thông qua đề án, các em học sinh lớp tài năng được miễn học phí, có chương trình đào tạo riêng…Bên cạnh đó, sự chỉ đạo sát sao cùng kê hoạch cụ thể, chi tiết từ Ban Giám hiệu nhà trường. Các thầy cô giáo luôn đồng hành, theo sát các con, sẵn sàng phụ đạo miễn phí ngoài giờ, bất kể ngày hay đêm.
+ Được trao giải "Đạo diễn xuất sắc" của Cuộc thi, ông có thể cho biết rõ hơn từ việc xây dựng ý tưởng cho tới quá trình tập luyện, hoàn thành tiết mục như thế nào?
- Mọi hành động đúng đều xuất phát từ quan niệm đúng. Với vai trò đạo diễn, tôi luôn tiếp cận các phần trình diễn ở góc độ "tác phẩm nghệ thuật xiếc", chứ không đơn thuần là "tiết mục xiếc" thông thường. Với tác phẩm nghệ thuật xiếc, đạo diễn phải có tư duy dàn dựng. Không chỉ quan tâm về mặt kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn chuyên môn mà còn phải đầu tư kỹ lưỡng về nghệ thuật tạo nên sự tổng hòa cho tác phẩm như âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, trang phục, nội dung tư tưởng, chủ đề... Riêng với tiết mục Đạp trống Tiếng vọng miền sơn cước do tôi dàn dựng đạt giải Nhất tại Cuộc thi khi tiến hành dàn dựng, tôi đã bàn bạc từng chi tiết với giáo viên phụ trách. Thậm chí, Trường đã phải đặt nhạc sĩ soạn bản nhạc Tiếng vọng miền sơn cước dành riêng cho tiết mục đó, để có thể truyền tải hết thông điệp của nội dung tác phẩm.
+ Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 chỉ có 4 đơn vị nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp tham gia, có thể thấy lực lượng diễn viên của xiếc đang thiếu hụt so với các loại hình sân khấu khác?
- Đã là một cuộc thi nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp toàn quốc thì tác phẩm, tiết mục dự thi phải thực sự có những sáng tạo mới lạ. Xây dựng một tiết mục hay một tác phẩm nghệ thuật xiếc mới là điều không dễ dàng nếu như đơn vị nghệ thuật đó không có thực lực đi thi. Chính vì vậy mặc dù thị trường biểu diễn xiếc rất sôi động với nhiều đơn vị nghệ thuật xiếc tư nhân nhưng không phải đơn vị nào cũng đủ tự tin tham gia một sân chơi lớn. Họ phải đối diện với bài toán nhân lực cũng như kinh phí để đầu tư cho tiết mục mới. Mặt khác, Trường Xiếc là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc và tạp kĩ, hơn 90% số lượng diễn viên xiếc hiện nay được đào tạo tại trường. Công tác đào tạo tuyển sinh của Trường Xiếc cũng luôn gặp khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh nhưng vượt qua những khó khăn đó Trường luôn luôn cố gắng, nỗ lực để thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị được LĐ Bộ giao.
+ Thời gian trước đây, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã từng rất khó khăn trong tuyển chọn học sinh. Hiện nay, Trường có đối mặt với những khó khăn đó không, thưa ông?
- Đào tạo nghệ thuật xiếc đúng là rất cần sự thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu của toàn xã hội, ngay cả với những bậc phụ huynh để thuyết phục họ cho con em làm nghề diễn viên xiếc cũng đã là khó khăn. Đối tượng tuyển sinh là các em mới 11 tuổi nên trường phải có chế độ bảo mẫu 24/7, thầy giáo quản sinh phải ngủ đêm tại ký túc xá. Nhiều năm nay, Trường luôn phải đi tuyển sinh ở nhiều vùng khác nhau. Có nhiều em hứng thú nhưng còn phải xin ý kiến bậc phụ huynh. Thấu hiểu tâm lý cha mẹ lo sợ nghề xiếc nguy hiểm, quá trình đào tạo khắc nghiệt, Trường cũng đã phải tư vấn, thuyết phục, rồi mời họ lên tận trường tham quan, tìm hiểu kỹ lưỡng quy trình đào tạo, cơ sở vật chất và chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh xiếc.
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường chọn được 48 học viên nhập học (chỉ tiêu trung bình khoảng 35 học viên). Để có được con số này, khoảng 10.000 thí sinh dự thi đã tham gia vòng sơ tuyển, tiếp đó khoảng 400 em được chọn vào vòng trung tuyển và phúc tuyển, sàng lọc qua các vòng chung tuyển và phúc tuyển thì số học sinh nhập học là 48 em. Lâu nay công tác tuyển sinh chỉ thu hút các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa thì năm nay, lượng học sinh đến từ nội thành đã tăng cao, trong đó có nhiều em đến từ những gia đình cán bộ, viên chức. Đây là tín hiệu vui, cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề xiếc đang dần cởi mở hơn.
+ Ông có mong muốn cơ chế đặc thù trong đào tạo, tuyển sinh đội ngũ nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật nói chung và ngành xiếc nói riêng?
- Thực tế, sau khâu tuyển sinh, những khó khăn và cả bất cập liên quan tới việc đào tạo nghề xiếc cũng đã được nhắc nhiều tại các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên ngành. Đó là việc thí sinh được đào tạo dài (5 năm so với 18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng lại có tuổi nghề ngắn. Một giáo viên bình thường đứng lớp ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít nhất cũng phải có 30- 40 em/lớp. Nhưng do yêu cầu đặc thù, Ở xiếc đôi khi một thầy dạy một học sinh trong suốt quá trình 5 năm cho một thể loại tiết mục. Hơn thế, tấm bằng "trung cấp" hiện tại khiến các em ra trường chỉ được xét là diễn viên hạng 4, quá thiệt thòi khi để trở thành diễn viên xiếc phải có năng khiếu, tài năng…
Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật rất mong chờ các Bộ ban ngành cùng vào cuộc với Bộ VHTTDL nghiên cứu, quan tâm tới điều kiện của các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù để có các quy định phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở đảm bảo được điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và phù hợp với quy định hiện hành. Cần có đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật.
+ Xin cảm ơn ông!