(Cinet)- Từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận trong Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
(Cinet)- Từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận trong Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
Trong 3 năm qua, Phú Thọ đã đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” với ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hàng năm, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của dân tộc, giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng như hiện nay. Sự thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là ý thức nguồn cội của hàng triệu triệu người dân Đất Việt.
Cùng thời điểm với lễ dâng hương tại Đền Thượng trong Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng thì tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng Hùng Vương trong tỉnh và các di tích thờ Hùng Vương trong nước đã đều đồng loạt tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đây là minh chứng cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Để bảo tồn di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, những năm qua, Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh. Các công trình đền, đài, lăng tẩm được tu bổ khang trang, trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc nhằm bảo tồn, giữ gìn “không gian thiêng”. Các thiết chế văn hóa mới được xây dựng như: Trung tâm lễ hội giai đoạn 2; nhà đón tiếp khách; công trình Cổng vào Trung tâm lễ hội; các công trình hồ Mẫu, cảnh quan xung quanh đền Quốc Tổ Lạc Long Quân... được cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường; giao thông được mở mang tạo nên không gian rộng rãi, thoáng mát, trang nghiêm của thế giới tâm linh phục vụ cộng đồng hành hương về lễ Tổ. Trên cơ sở khảo sát đánh giá hiện trạng các di tích tín ngưỡng thờ cúng ở các làng xã vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và xã hội hóa trong việc khôi phục xây dựng, tu bổ các di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh như: Đình Cả, Đình Đông (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao); Đình Cả (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao); đình Hữu Bổ Thượng (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) thờ các Vua Hùng… và tu bổ 15 di tích liên quan đến không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng, nhất là trong các dịp lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Người dân ở địa phương có đền thờ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như: Đánh trống đồng, đâm đuống, thi chọi gà, thi nấu cơm, đấu vật, đu quay, bơi chải, bắn nỏ… Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm những tập tục thờ cúng, nghi lễ cúng tế của Ban tế lễ ở các đình, đền thờ Hùng Vương, Danh nhân Danh tướng thời Hùng Vương, cách làm lễ vật, dâng cúng lễ vật. Cách thực hiện cúng tế của các ông Chủ tế, của các thành viên trong đội tế, các hình thức diễn xướng (tiêu biểu là trò bách nghệ khôi hài, trò săn lợn chạy địch, đánh phết, trò bắt chạch trong chum, trò tùng rí, rước ông Khiu bà Khiu, rước lúa thần) là những tri thức dân gian được thực hiện hàng năm và được người này trao truyền cho người khác, thế hệ này kế tiếp thế hệ sau. Những thể loại văn hóa phi vật thể được lưu truyền bằng miệng khác như truyền thuyết về Hùng Vương lưu hành trong dân gian được văn bản hóa bằng chữ Hán, hoặc chữ Quốc ngữ, hàng năm được thể hiện lại một phần trong Văn Tế và được các thế hệ kể lại cho nhau nghe trong gia đình, trong cộng đồng.
Trong những năm qua, tỉnh đã phối hợp với Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh và cả nước. Tổ chức sưu tầm, bổ sung các truyền thuyết, các nghi thức, trò diễn dân gian. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với Viện nghiên cứu Hán nôm điều tra, nghiên cứu nguồn thư tịch Hán Nôm như: sắc phong, ngọc phả, thần tích, văn bia... tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh, thành phía Bắc, gồm: Hà Nội, Phú Thọ,Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình. Đã nghiên cứu, sưu tầm lập thư mục thống kê và phiên âm, dịch nghĩa được 410 bản thần tích liên quan đến Hùng Vương và vợ, con, tướng lĩnh các vua Hùng hiện nay đang lưu giữ ở các viện nghiên cứu và Trung tâm lưu trữ quốc gia.
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, Phú Thọ đã xây dựng các chương trình văn hóa, giáo dục để phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tích cực chỉ đạo Sở giáo dục và Đào tạo, Sở VHTTDL, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cùng phối hợp tổ chức chương trình giáo dục đưa di sản vào trường học. Đổi mới và nâng cao nội dung chương trình học lịch sử, ngữ văn cho học sinh, chú trọng giáo dục phổ biến cho các em nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và sự cần thiết bảo vệ di sản, về các truyền thuyết lịch sử và về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chú trọng công tác nghiên cứu, bảo tồn tín ngưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác quản lý di sản. Trong 3 năm đã có 16 cán bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ về quản lý di sản. Xây dựng 01 ngân hàng dữ liệu về Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng thường xuyên cập nhật để lưu trữ các thông tin được sưu tầm, nghiên cứu thông qua những cuộc khảo sát đã bổ sung tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Tổ chức trưng bày chuyên đề về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Bảo tàng Hùng Vương phục vụ đông đảo đồng bào về thăm viếng Di tích. Bằng hình thức giới thiệu trực tiếp cho khách đến tham quan, phối hợp với các trường học, các công ty du lịch lữ hành đưa sinh viên các trường đến học tập với những trải nghiệm thực tiễn.
Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một việc làm thiết thực, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong bối cảnh cuộc sống đương đại và toàn cầu hóa hiện nay, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là nhiệm vụ cấp thiết nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO đảm bảo di sản mãi trường tồn và luôn giữ được danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh.
T.H (ảnh: Internet)