• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Tin thơ”- điều không tìm thấy trên báo chí đương đại

31/03/2017 11:14

(Tổ Quốc)- Phong hoá - Ngày nay là hai tờ báo nổi bật hồi đầu thế kỷ XX ở nước ta (1932-1940). Từ góc độ hiện đại hoá thơ trữ tình, trên diễn đàn này, xuất hiện một nhân vật rất uy tín và quyền lực: Thế Lữ, phụ trách mục Tin thơ.



(Tổ Quốc)- Phong hoá - Ngày nay là hai tờ báo nổi bật hồi đầu thế kỷ XX ở nước ta (1932-1940). Quá trình hiện đại hoá văn học, khai minh văn hoá dân tộc có đóng góp to lớn của hai tờ báo này (Cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn). Từ góc độ hiện đại hoá thơ trữ tình, trên diễn đàn này, xuất hiện một nhân vật rất uy tín và quyền lực: Thế Lữ, phụ trách mục Tin thơ. Từ những năm tháng “tung hoành” của Thế Lữ, những đóng góp quan trọng của ông cho quá trình hiện đại hoá thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ, nghĩ đến nền thơ đương đại, chúng ta có những bài học hữu ích.



Hai tờ Phong hóa - Ngày nay



Quyền lực của Thế Lữ thể hiện rõ nhất trong mục “Tin thơ”. Khảo sát “Tin thơ” trên Phong hóa - Ngày nay, có thể thấy, “Tin thơ” là một mục quan trọng chiếm dung lượng lớn của báo, được xếp ở những trang giữa - thường là trang 9,10 hoặc 11 trên tổng số hơn 20 hoặc 25 trang của Phong hóa - Ngày nay. Việc chuyên trách mục “Tin thơ” cho thấy uy tín của Thế Lữ trong văn đoàn này cả ở phương diện nghệ thuật và địa vị xã hội, truyền thông. Mỗi số Phong hóa (PH) - Ngày nay (NN) đều có mục “Tin thơ”. Tại đây, Thế Lữ bình chọn, phân tích, diễn giải, sửa chữa thơ của các tác giả gửi về báo. Điều đáng nói chính là dường như không có một tác giả nào không bị người phụ trách mục “Tin thơ” phê phán. Điểm qua mục này có thể thấy Thế Lữ phê bình: Tchya - Rỗng nghĩa (NN - số 71, 8/8/1937); Xuân Trâm - Lười, chưa dụng công, dùng từ còn rẻ; Anh Sơn - dùng từ mộc mạc, đại khái; Bảo Trúc Sơn - khô khan, buồn cười (NN, số 83, 31/10/1937); Lê Thiếu Tâm - mộc mạc, vụng về, cẩu thả, ngượng ngập (NN, số 84, 7/11/1937); Minh Thu - biếng nhác quá, Tường Đông - rời rạc, ngượng (NN, số 86, 21/11/1937); Nghoai (sic) - dễ dãi quá, viết những điều thậm vô ích, cẩu thả (NN, số 87, 28/11/1937); Mạnh Quang - dễ dãi, hững hờ quá, mộc mạc quá, mất cả ý nhị (NN, số 88, ngày 5/12/1937); Khe Bích (sic) - nhu nhược, không chịu gọt rũa lời thơ, hỗn độn; Tống Minh Cầm - cẩu thả, trễ nải, tối tăm và hỗn độn (NN, số 89, 12/12/1937)… Và rất nhiều các tác giả khác như: Phạm Quy Hòa, Ngọc Hương, Diệu Thường, Mai Khanh, Trần Tử Hạ, Nguyễn Vân, Nguyễn Đình Huệ, Anh Lang, Ái Quốc, Vân Quân, Ngọc Minh, Lệ Mai, Ngọc Đoan, Hồng Oanh… Số lượng thơ gửi về Phong hóa - Ngày nay khá nhiều đã được Thế Lữ đọc, chọn điểm, phê bình, chỉnh sửa. Trong số những bài thơ, tác giả được tuyển lựa vào mục “Tin thơ”, từ phía Thế Lữ, đó đều là những bài thơ cẩu thả, lười biếng, hời hợt, ít dụng công và không làm rung động lòng người. Cũng trong mục “Tin thơ” này, Thế Lữ sửa thơ cho tất cả các tác giả được điểm đến. Ta sẽ hiểu vì sao sau này Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam lại nói: “Thế Lữ chăm chú dạy nghề thơ cho những ai nuôi giấc mộng một ngày kia trở nên thi sĩ”. Chỉ riêng chi tiết sửa thơ này đã nói lên quyền lực của Thế Lữ. Phải là người nm giữ chân lý, nắm giữ địa vị là kẻ sở hữu và ban phát chuẩn mực, Thế Lữ mới dám sửa thơ người khác. Sửa văn - chữ người khác bao giờ cũng là việc hệ trọng. Ở đây, không chỉ là Thế Lữ, mà từ Thế Lữ có thể hình dung ra một trường thẩm mỹ, văn hóa mà Tự lực văn đoàn hướng đến. Cái cách mà Thế Lữ sửa thơ, nhng lời lẽ phê bình trong mục “Tin thơ” không ngăn cản ta liên tưởng đến một quá trình lựa chọn, loại trừ để kiến tạo trật tự của các giá trị. Hoài Thanh, Hoài Chân có lần nói Lưu Trọng Lư “không có gì đáng ưa” với nụ cười “khinh mạn” của kẻ chiến thắng khi Thơ mới giành được vị thế tiên phong trong làng thơ. Trong khi đó, tác giả Thi nhân Việt Nam lại nói “Thế Lữ, khôn hơn, chỉ lẳng lặng nói chuyện với người đồng hương - những người trong làng thơ mới”. Cái “lẳng lặng” của Thế Lữ trên “Tin thơ”, xem ra còn khó ưa hơn nụ cười khinh mạn của Lưu Trọng Lư. Tuy vậy, rõ ràng Thế Lữ có thẩm quyền, và điều mà Thế Lữ đã nói, đã sửa phù hợp với tôn chỉ, ý hướng nghệ thuật, văn hóa mà Tự lực văn đoàn đã chủ trương. Chính Xuân Diệu, sau này khi nghĩ về Công việc làm thơ, nhớ lại những ngày đầu, đã thừa nhận Thế Lữ chữa thơ rất tài tình. Xuân Diệu chấp nhận sự sửa chữa của Thế Lữ cũng chính là chấp nhận sự tu chỉnh, cải tạo cho phù hợp với gu thẩm mỹ, văn hóa của Tự lực văn đoàn, của tầng lớp công chúng thành thị, ưa chải chuốt, hoa mỹ, lãng mạn. Và cũng vì thế, ta có Xuân Diệu như là một thần tượng của giới văn chương Hà Thành lúc ấy (và cả bây giờ?)

Công việc của Thế Lữ, gạt ra ngoài những thiên kiến riêng tư, là một hành động đầy trách nhiệm, có tôn chỉ, định hướng. Có thể nói, Thế Lữ chính là một thước đo của Thơ trên Phong hoá - Ngày nay thuở ấy. Sự trưởng thành của Thơ mới vừa có công to lớn của ông trong thực tiễn sáng tạo với bài Nhớ rừng, vừa có những đóng góp quan trọng trọng việc “kiểm duyệt” hay định hướng giá trị thẩm mỹ của thơ trên diễn đàn uy tín bậc nhất lúc bấy giờ là Phong hoá - Ngày nay. Tính chất công khai và đôi khi “khắc nghiệt” như mục “Tin thơ” do Thế Lữ phụ trách là một mô hình PHÊ BÌNH BÁO CHÍ hữu ích để chúng ta có được những sinh hoạt thơ ca đúng nghĩa, trong bối cảnh đang lạm phát thơ như hiện nay. Dường như, một mẫu Biên tập viên như Thế Lữ, một chuyên mục như “Tin thơ”, chúng ta không tìm thấy trên báo chí đương đại.

Nguyễn Thanh Tâm

NỔI BẬT TRANG CHỦ