(Tổ Quốc) - Bố chồng Hà Tăng bỏ túi hơn 1 tỷ mỗi ngày; Rúng động chuỗi nhà hàng Món Huế 'đốt' gần 1.500 tỉ đồng vẫn sụp đổ; Asanzo trốn thuế, Nhà máy nước Sông Đà xin lỗi người dân... là những thông tin nổi bật tuần qua (21/10-25/10).
Rúng động chuỗi nhà hàng Món Huế 'đốt' gần 1.500 tỉ đồng vẫn sụp đổ
Chuỗi nhà hàng Món Huế đã tạo ra cú sốc cho thị trường khi đóng cửa toàn bộ hệ thống, còn những người lãnh đạo biệt tăm, trốn nợ. Các nhà cung cấp thực phẩm, văn phòng phẩm, thiết bị điện tử... đồng loạt tố cáo Món Huế không trả nợ và cắt liên lạc với nhà cung cấp.
Hơn một thập niên hoạt động, chuỗi nhà hàng Món Huế gần như đã xác lập một vị thế trên thị trường. Sau khi vượt qua được giai đoạn khắc nghiệt của lĩnh vực nhà hàng, Món Huế nhanh chóng mở rộng quy mô chuỗi. Chỉ trong hai năm 2014 và 2015, chuỗi nhà hàng này đã gọi vốn thành công với tổng giá trị 30 triệu USD từ các nhà đầu tư Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc và Mỹ.
Chưa kể trước đó chuỗi nhà hàng này được nhiều quỹ đầu tư khác nhau bơm tổng số vốn lên đến con số 65 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng). Chính vì vậy ông chủ của chuỗi nhà hàng Món Huế là doanh nhân Huy Nhật đã đặt mục tiêu sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng để nâng vốn lên đến 100 triệu USD.
Nhờ có nguồn lực cực lớn trong tay, Món Huế nhanh chóng tăng độ phủ trên thị trường lên đến con số 100, tọa lạc hầu hết ở các vị trí đắc địa, trung tâm thương mại.
Cùng với đó là mở rộng ra hàng loạt thương hiệu khác như phở Ông Hùng, cơm Express, Great Bánh mì & cafe, cơm Thố Cháy, phở 99, Iki sushi, Shilla hay mì Quảng Bếp Tâm...
Nhà máy nước Sông Đà xin lỗi, miễn tiền nước 1 tháng cho người dùng
Trong tuần, thông cáo báo chí của Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho biết, doanh nghiệp này đã hoàn tất khắc phục sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước Sông Đà để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng.
Theo Viwasupco, về chất lượng nước, căn cứ trên các mẫu xét nghiệm nước các ngày 14, 16, 18/10 do Viện sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường và các mẫu xét nghiệm nội kiểm ngày 16/10 của Quatest, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Hà Nội đã công bố rằng nguồn nước sông Đà đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn chất lượng QCVN01:2019/BYT do Bộ Y tế ban hành, an toàn để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.
Trước đó, Viwasupco đã huy động công nhân, nhân công thuê ngoài và thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức vớt váng, sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng để hút dầu trên khu vực đầu nguồn. Đồng thời đổ than hoạt tính trên hơn 3km kênh dẫn vào hồ chứa, nạo vét toàn bộ lớp đất đá dính dầu và bùn ao trên toàn bộ khu vực nhiễm dầu, kể cả bùn ao của các hộ dân lân cận; súc xả đường ống truyền tải, bể chứa trung gian, bể chứa tại trạm điều tiết, tiến hành thay mới toàn bộ cát lọc tại vị trí các bể lọc và phối hợp với các đơn vị phân phối nước để thực hiện súc xả tuyến ống và bể chứa của khách hàng.
Đơn vị này thông qua truyền thông đã xin lỗi người dân. Để đền bù tổn thất cho người tiêu dùng, Viwasupco cho biết sẽ cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố, tương đương với một tháng tiền nước. Được biết, ước tính con số này vào khoảng 50 tỷ đồng.
Asanzo bị phạt và truy thu thuế
Kết luận Thanh tra thuế số 650/KLTT-CT ký ngày 15/10 của Cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan cho thấy Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên để nhập hàng về bán lại cho Asanzo.
Đáng nói, dù mua "linh kiện" nhưng Asanzo lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" nhằm tránh khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn. Asanzo còn bị xử phạt với tình tiết tăng nặng do có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm...
Trước những sai phạm trên, Cục Thuế TP.HCM đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo với tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng .
Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh
Từ ngày 15 - 23/10, tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) xảy ra ùn ứ hàng nghìn tấn nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, tình trạng ùn ứ xảy ra do phía Trung Quốc thực hiện quy trình kiểm soát đối với phương tiện vận tải và hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 12/10. Theo đó, tất cả phương tiện nhập cảnh vào Trung Quốc đều được các lực lượng chức năng phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thủ công từng cabin, container hàng, dẫn tới kéo dài thời gian, thông quan.
Nếu như trước kia khi làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam chỉ cần khai báo và sẽ sớm được thông quan trong vòng 2 phút/ xe hàng, nhưng nay do phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt đối với phương tiện và hàng hóa trên xe hàng nên mỗi xe hàng khi làm thủ tục, kiểm tra và thông quan lên tới 10 phút/ xe hàng.
Chính vì thời gian thông quan mỗi xe lâu gấp vài lần so với trước đây nên đã dẫn đến tình trạng tồn xe, cao điểm ngày 18/10 chỉ xuất khẩu được 182 xe, tồn khoảng 500 xe. Một số lượng nhỏ xe đành phải quay lại do hàng bị hư, bán đổ bán tháo ngay bên hông cửa khẩu Tân Thanh. Để tránh hỏng hàng, các xe luôn trong tình trạng nổ máy, bật điều hòa...
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng như: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn cuối tuần qua.
Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư tỉnh uỷ Vân Nam (Trung Quốc) Vương Dư Ba về khó khăn hiện nay trong xuất khẩu hàng hoá, nông sản từ Việt Nam tại các cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) và Tân Thanh (Lạng Sơn) và đề nghị Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và lãnh đạo các tỉnh tỉnh có chung biên giới với Việt Nam quan tâm tháo gỡ.
Sau cuộc làm việc nêu trên của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với Phó Bí thư tỉnh uỷ Vân Nam Vương Dư Ba, tình trạng ùn ứ hàng nông sản đã được hai bên thực hiện nhiều giải pháp như: tăng thời gian kiểm tra, thực hiện kiểm tra tại bãi thay vì tại cổng, ưu tiên hàng hoá dễ hỏng thông quan luồng xanh trước...
Bố chồng Hà Tăng bỏ túi hơn 1 tỷ mỗi ngày nhờ hàng miễn thuế, phòng chờ thương gia
Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) của bố chồng Tăng Thanh Hà vừa công bố báo cáo tài chính quý III với khoản lợi nhuận sau thuế tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo tài chính, mặc dù đã tăng gần 24% chi phí bán hàng do mở rộng một số lĩnh vực kinh doanh, xong lợi nhuận riêng quý III mà công ty của bố chồng Tăng Thanh Hà vẫn đạt gần 78 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành, công ty của bố chồng Tăng Thanh Hà (ông Johnathan Hạnh Nguyễn) thu về hơn 65 tỷ đồng lãi ròng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Điều đáng chú ý là sau khi trừ các chi phí trong kỳ, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã thu về gần 323 tỷ đồng lãi ròng sau thuế từ đầu năm, tăng 35%. Tính bình quân, mỗi ngày công ty của bố chồng Tăng Thanh Hà lãi gần 1,2 tỷ đồng sau thuế.
Ngoài bán hàng miễn thuế, gần đây, dịch vụ phòng chờ cũng đang là mảng giúp công ty của bố chồng Tăng Thanh Hà hái ra tiền nhờ biên lãi gộp cao.
Cụ thể, doanh thu từ phòng chờ của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua đã tăng 21%, với biên lãi gộp trên 80%, cao nhất trong các mảng kinh doanh mà doanh nghiệp này đang vận hành.