(Tổ Quốc) - CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện và em trai bị bắt; Nữ tướng" 8X Lê Diệp Kiều Trang từ chức sau 5 tháng đầu quân cho Go - Viet; Ông Phạm Nhật Vượng mất 6.300 tỷ đồng;.... là những thông tin kinh tế gây chú ý dư luận trong tuần qua (16-20/9).
- 15.09.2019 Những tin tức kinh tế nổi bật tuần qua
- 08.09.2019 Những tin tức kinh tế gây chú ý trong tuần
- 01.09.2019 Những tin tức kinh tế nổi bật tuần qua
CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện và em trai bị bắt
(Nguồn: Plo.vn)
Ngày 18/9, công an TPHCM cùng lực lượng Bộ Công an đã tiến hành phong tỏa trụ sở Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba ở quận Thủ Đức, TP.HCM để tiến hành khám xét.
Theo đó, công an đã khởi tố, bắt tạm giam với bị can Nguyễn Thái Lĩnh, giám đốc Công ty Alibaba, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguồn tin từ Công an TP.HCM cho biết cũng đã thực hiện việc bắt giữ ông Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc điều hành Công ty Alibaba (anh ruột ông Lĩnh), để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó Bộ Công an phối hợp phong tỏa tài khoản của ông Lĩnh và bà Võ Thị Thanh Mai (phụ trách pháp lý của Công ty Alibaba).
Địa ốc Alibaba được thành lập vào ngày 5/5/2016, hoạt động kinh doanh chính là môi giới bất động sản. Công ty này từng dính vào nhiều vụ "lùm xùm". Cụ thể, với dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM), dù dự án này thuộc Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc (UBND TPHCM) nhưng Công ty Alibaba tự nhận là dự án của mình và đem huy động vốn của hàng trăm khách hàng.
Tại tỉnh Đồng Nai, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7/2019, Địa ốc Alibaba đã quảng cáo trên website của công ty này là thành lập 29 dự án khu dân cư trên địa bàn các huyện Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã xác định toàn bộ diện tích đất tại các dự án mà Địa ốc Alibaba tự vẽ ra chỉ có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại đều có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và hiện trạng đất là đất trống, không có cơ sở hạ tầng...
Hà Nội còn gần 200 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hà Nội, trên địa bàn 12 quận nội thành có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời.
Trong số các cơ sở trên, nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn, nằm tại các khu đất vàng của Thủ đô.
Cụ thể, tại địa bàn quận Hai Bà Trưng có 14 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, gồm: Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông xuân, Công ty Bánh kẹo Hải Hà, Nhà máy dệt Minh Khai... Quận Thanh Xuân có các cơ sở gây ô nhiễm gồm: Công ty Sao Vàng, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long...
Đến nay, TP Hà Nội đã hoàn thành việc đánh giá, phân tích và phân loại được 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 đơn vị sản xuất công nghiệp này ra khỏi nội thành.
Tính đến tháng 6/2019 có 67 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại... với diên tích hơn 102 ha. 27 cơ sở đã được thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất ...
Ông Phạm Nhật Vượng mất 6.300 tỷ đồng
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Nguồn: Dân trí)
Kết thúc tuần giao dịch, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 3.000 đồng, còn 119.400 đồng/cp, mây là mức giá thấp nhất của VIC kể từ giữa tháng 8.
Theo đó, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã giảm hơn 6.300 tỷ đồng so với cuối tuần trước.
Tuy vậy, giá trị khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn gây choáng ngợp với con số hơn 222.000 tỷ đồng.
Giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng tính đến thời điểm chốt phiên 20/9 đang lớn hơn giá trị vốn hoá của hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vinamilk (212.622 tỷ đồng); PV GAS (196.754 tỷ đồng); Sabeco (171.222 tỷ đồng); ACV (168.286 tỷ đồng)...
Nữ tướng" 8X Lê Diệp Kiều Trang từ chức sau 5 tháng đầu quân cho Go - Viet
Thông tin được Go-Viet cho biết, lý do bà Lê Diệp Kiều Trang quyết định rời Công ty này là vì muốn lựa chọn hướng đi riêng cho sự nghiệp của mình. Go - Viet cũng chưa tiết lộ thời điểm chính xác bà Lê Diệp Kiều Trang thôi việc.
Go-Viet khẳng định vẫn tự tin đội ngũ quản lý hiện tại ở Việt Nam, được hỗ trợ bởi đội ngũ chuyên gia quốc tế ở Go-Jek, sẽ đảm bảo cho công ty phát triển thời gian tới.
Hồi cuối tháng 4/2019, hãng xe công nghệ Go-Viet chính thức bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) giữ vị trí Tổng giám đốc.
Trước đó, hồi đầu tháng 3/2018, bà Trang từng đầu quân cho Facebook nhưng lại chia tay vào cuối năm 2018 vì lý do không thu xếp được công việc gia đình.