(Tổ Quốc) - Ông Trịnh Văn Quyết gây "sốc" tuyên bố chi 2.000 tỷ đồng mua cổ phiếu FLC; Công bố hàng loạt sai phạm trong 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng; Nữ đại gia bất ngờ "rời ghế" Tổng giám đốc... là những thông tin gây chú ý dư luận trong tuần qua (18-22/11).
Shark Liên bất ngờ "rời ghế" Tổng giám đốc
Công ty CP Nước mặt sông Đuống vừa có thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty nước mặt sông Đuống đã rời ghế Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật của công ty này.
Thay bà Liên đảm nhiệm làm vị trí Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật của Công ty là ông Tạ Đức Hoàng.
Ông Tạ Đức Hoàng sinh năm 1980, cũng là thành viên HĐQT của Công ty này. Ông Hoàng cũng được biết với vai trò là Tổng Giám đốc Tập đoàn Aqua One.
Mặc dù rời vị trí quản lý, Shark Liên vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của công ty Nước mặt Sông Đuống.
Theo đăng ký mới nhất, Công ty CP nước mặt Sông Đuống chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất là khai thác, xử lý và cung cấp nước.
Tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Công ty CP nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc chấp thuận tạm tính giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của TP Hà Nội đang áp dụng.
"Ông lớn" ngành thép "mát tay" nuôi gà, lợn
Hiện tại, cổ phiếu HPG đang trong vùng giá thấp, điều này khá dễ hiểu trong bối cảnh ngành thép đang gặp khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường đều sụt giảm kết quả kinh doanh, thậm chí có đơn vị thua lỗ.
Trong quý III vừa rồi, tập đoàn của ông Trần Đình Long đạt 15.087 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 25% xuống 1.794 tỷ đồng.
Dù vậy, Công ty vẫn giữ vững thị phần 25% tức đứng số 1 tại thị trường thép Việt Nam. Sản lượng bán hàng khu vực miền Nam tăng mạnh nhất, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước với 280.000 tấn. Tiếp đó là khu vực miền Trung với gần 300.000 tấn, tăng 53% so với 9 tháng 2018.
Tuy nhiên, điểm sáng là lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn này lại khởi sắc với doanh thu từ cung cấp bò Úc, trứng gà sạch, thịt lợn an toàn sinh học lên tới 1.840 tỷ đồng, vươn lên top dẫn đầu cả nước.
Tổng tài sản của Hòa Phát hiện tại là hơn 90.000 tỷ đồng, phấn đấu doanh thu từ năm 2020 sẽ đạt trên 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm dao động từ 6.000 - 10.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 8.000 - 10.000 tỷ đồng/năm.
Công bố hàng loạt sai phạm trong 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận về các dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội.
Từ một doanh nghiệp ít tên tuổi, Công ty Công ty Lã Vọng được TP ưu ái chỉ định nhiều dự án đầu tư, qua đó sở hữu hàng loạt ô đất vàng giữa Thủ đô.
Đơn vị này vướng sai phạm tại 9 dự án, gồm: Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), dự án BT cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình, dự án xây dựng hạ tầng và kỹ thuật tại khu đô thị phía tây nam đường 70 (quận Nam Từ Liêm), dự án chung cư tại Xa La (Hà Đông), dự án khu đô thị đông nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)…
Các dự án đều có chung công thức: Chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - qua đó dần sở hữu các khu đất ở đô thị và các khu đô thị có giá trị hàng ngàn tỉ đồng tại Hà Nội.
Năm ngoái, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thanh tra các dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên (tập đoàn Lã Vọng) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Trịnh Văn Quyết gây "sốc" tuyên bố chi 2.000 tỷ đồng mua cổ phiếu FLC
Cổ phiếu FLC tuần qua ngay từ đầu phiên giao dịch đã tăng trần lên 4.310 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu FLC diễn biến tích cực sau các thông tin liên quan đến cổ phiếu FHH của FLCHomes và BAV của Bamboo Airways. Cụ thể, FHH dự kiến chào sàn mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn FLC và các cá nhân đang cam kết sở hữu 90% FHH, chỉ 10% cho cán bộ nhân viên. Đáng chú ý là ông Trịnh Văn Quyết cho biết trong năm 2020, cá nhân ông sẽ bỏ ra 1.500 tỷ đồng - 2.000 tỷ đồng để tăng sở hữu cổ phiếu FLC.
Còn về Bamboo Airways, Báo Dân Trí dẫn thông tin ông Trịnh Văn Quyết khẳng định, hãng sẽ chào sàn trong năm 2020 và không có ý định bán cổ phiếu BAV ra bên ngoài, cho cả đối tác trong nước và đối tác nước ngoài vào thời điểm này.