• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tinh giản biên chế: Lại những câu chuyện “sáng cắp ô đi, tối cắp về”

Thời sự 25/09/2017 06:38

(Tổ Quốc) -LTS: Mặc dù chủ trương tinh giản biên chế đã được nêu ra từ lâu, nhưng tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” vẫn diễn ra như là một thách thức lớn với yêu cầu cấp bách trong cải cách nền hành chính hiện nay. Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài về vấn đề này với mong mỏi góp thêm tiếng nói thúc đẩy công cuộc tinh giản biên chế hiện nay.

Bài 1: Tinh giản nhưng vẫn “phình”

Một con số được đưa ra từ năm 2016 cho hay, bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức.

Một con số khác đáng lưu ý không kém: năm 2015, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay,  riêng ngân sách nhà nước chi ước khoảng 14 ngàn tỷ đồng cho các tổ chức quần chúng công như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh và 28 hội đặc thù khác.

Thêm một ví dụ nữa. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính hồi tháng 6 năm 2017 đã đưa ra một ví dụ về nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành, nếu chỉ giảm chi thường xuyên 1% trong 2 năm liên tiếp là gần đủ tiền giải phóng mặt bằng cho sân bay này với khoảng 20.000 tỷ đồng.

 Càng tinh giản, bộ máy hành chính càng "phình"

Trong khi đó, ngân sách dành cho chi thường xuyên “nuôi” bộ máy nhà nước cồng kềnh hiện nay chiếm tỷ lệ lớn. Vậy nhưng, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì biên chế không những không giảm mà lại tăng.

Báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp Quốc hội thứ 3, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 5 năm 2017 cho biết, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 tổng cộng là 22.763 người trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương.

Trong tổng số biên chế được tinh giản, các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm đa số; tiếp đến là cán bộ, công chức cấp xã; các cơ quan hành chính; các cơ quan của Đảng, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo này cũng cho biết, cho tới tháng 5 năm nay, nhiều nơi vẫn chưa phê duyệt được Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế năm 2015-2021.

Những nơi chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới phải tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế được giao.

Trong nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện giảm bớt số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong cơ cấu Chính phủ, thì nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức bên trong các Bộ lại “phình” ra, làm cho việc sắp xếp, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt là việc tăng các cục thuộc Tổng cục, hình thành hệ thống quản lý từ Bộ Ngành tới các cấp địa phương, không phù hợp với phương thức quản lý mới từ quản lý trực tiếp sang gián tiếp bằng chính sách, pháp luật làm giảm hiệu lực quản lý và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Cơ chế Xin – Cho vẫn là một cản trở trong tinh giản

Tại hội thảo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước – khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện được tổ chức vào hồi đầu năm 2017, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho hay, giai đoạn 2011-2016 mặc dù việc tinh giản bộ máy đã có những thành quả rất đáng ghi nhận nhưng cũng bộc lộ những bất cập cần tiếp tục khắc phục.

Theo đó, ông Phúc nhấn mạnh, riêng với bộ máy Chính phủ cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, theo yêu cầu tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở làm rõ nhà nước làm đúng việc của mình, còn chuyển giao cho xã hội, cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội bằng chính sách xã hội hóa.

Việc phân cấp – phân quyền Trung ương – địa phương còn tiến hành chậm chạp, lúng túng trong việc định rõ việc của Chính phủ Trung ương làm và chỉ Trung ương làm còn có việc phải phân cấp, phân cấp triệt để cho chính quyền địa phương theo hướng việc nào địa phương làm và xác định việc cả trung ương - địa phương cùng làm.

Đồng thời khắc phục tư tưởng “ Xin – Cho”, bao cấp trong quản lý  Nhà nước. Do đó, chưa phát huy hiệu quả của cải cách tinh giảm bộ máy.

“Đây còn là một cản trở trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản bộ máy Nhà nước”- ông Thang Văn Phúc cho biết.

Liên quan tới việc tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả của bộ máy, mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 19/9) về công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trên toàn quốc để trả lời dư luận, cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân ở vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

Ngoài ra, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra; một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, "lợi ích nhóm".

Bài 2: Tinh giản biên chế: Những con số được tô vẽ

Thái Linh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ