(Tổ Quốc) - Tinh gọn bộ máy nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xã hội đồng thuận cao. Nỗ lực của các cấp trung ương, ngành, địa phương đã thể hiện nhiều cách làm sáng tạo, nghiêm túc, quyết liệt…
“Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
So với bộ máy tổ chức cũ, Bộ Công an đã giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Có thể nói, đến thời điểm này Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã đi vào cuộc sống.
Từ quý II/2017, việc tinh gọn bộ máy nhà nước đã bắt đầu được các cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện quyết liệt, trong đó, đi đầu là Bộ Công Thương. Bên cạnh việc cắt giảm mạnh mẽ hàng trăm thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cũng đang có những quyết sách mạnh mẽ để tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy vốn được cho là cồng kềnh.
Theo Nghị quyết số 07-NQ/BCS quy định tạm thời về số lượng lãnh đạo cấp phòng trực thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ Công Thương, việc bổ nhiệm, thực hiện sắp xếp, tinh giản đội ngũ lãnh đạo cấp phòng của các đơn vị thuộc Bộ được thực hiện theo nguyên tắc: Phòng và tương đương có dưới 10 biên chế: gồm 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng; Phòng và tương đương có từ 10 biên chế trở lên: gồm 1 trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng.
Bộ Công Thương cũng quy định không bổ nhiệm chức vụ hàm trưởng phòng, hàm phó trưởng phòng được hưởng phụ cấp.
Việc tinh giản biên chế được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh coi là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương khi trong năm 2019, Bộ sẽ kiện toàn 38 cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh thành 19 cơ quan quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời rà soát, sắp xếp 25 Cục quản lý thị trường cấp tỉnh theo hướng khu vực liên tỉnh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiếp tục nghiên cứu, có phương án sắp xếp cho giai đoạn sau 2021 để tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ cũng đang là đơn vị tiên phong trong việc tinh gọn bộ máy. Theo mục tiêu đặt ra, Bộ sẽ không còn cấp phòng trong vụ. Bộ cũng giảm từ 6 đơn vị đào tạo xuống còn 2. Tại cuộc làm việc với tổ công tác của Thủ tướng chiều 27/6/2018, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cam kết tới năm 2021 “sẽ giảm từ 15% trở lên” đối với số biên chế của Bộ.
Còn cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 29/3/2018 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án sắp xếp tinh giản đầu mối đơn vị cấp phòng trong các ban, đơn vị thuộc cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Cụ thể, 23 đơn vị cấp phòng thuộc 9 ban, đơn vị đã kết thúc hoạt động kể từ ngày 1/4/2018; đồng thời ban hành Quyết định về Quy chế thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ.
Là người tham gia xây dựng Nghị quyết số 18-NQ/TW, TS. Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, nếu thực hiện tốt, nghiêm túc Nghị quyết này thì sẽ ra tiền, ra gạo. Sắp xếp bộ máy vừa để hiệu lực, hiệu quả bộ máy nâng lên và còn tiết kiệm chi thường xuyên, chi cho con người, thế mới có tiền cải cách nâng tiền lương, chi cho đầu tư phát triển.
TS. Nguyễn Đức Hà cũng cho biết, hiện có khoảng 4 triệu người hưởng lương ngân sách, số lượng biên chế đến năm 2021 dứt khoát phải giảm tối thiểu 10% so với năm 2015, tức là giảm được khoảng 400 nghìn người.
Có thể nói, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, đặc biệt là sắp xếp lại những tổng cục trong các bộ, ngành hiện nay là việc làm rất cần thiết. Đặc biệt, đối với Bộ Công an, đây là một thử thách vô cùng lớn.
So với bộ máy tổ chức cũ, Bộ Công an đã giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. Ở công an các địa phương sáp nhập 20 cảnh sát PCCC vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức công an cấp tỉnh, huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp Phòng, gần 1.000 đơn vị cấp Đội.
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an – khẳng định, tổ chức bộ máy Bộ Công an sẽ tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu quả, tăng cường cho cơ sở, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Địa phương bức thiết tinh giản biên chế
Các địa phương cũng đang quyết tâm tinh giản biên chế. (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Năm 2018 là năm Chính phủ phải thể hiện sự hành động cương quyết theo phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” mà Thủ tướng đã nhấn mạnh trước đó, trong đó bao gồm việc sắp xếp lại bộ máy từ trung ương cho đến cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… đến nay tỉnh Thanh Hóa đã tinh giản được 1.939 cán bộ, công chức, viên chức. Thanh Hóa hiện có 66 xã chưa đủ 2 tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên cần được sắp xếp lại. Hiện tỉnh đã giảm 9.400 cán bộ bán chuyên trách (thôn, xã), tiết kiệm ngân sách hơn 100 tỷ đồng/năm.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa từ tháng 6/2012 đến nay, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 1.772 lượt cán bộ ở các cấp, các ngành. Có 22/27 huyện, thị xã, TP (chiếm 81,48%) đã bố trí một trong ba chức danh chủ chốt không phải là người địa phương. Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 421/635 xã, phường, thị trấn (chiếm 66,29%) bố trí một trong ba chức danh không phải là người địa phương.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, TP của tỉnh Thanh Hóa đã bố trí trưởng ban tuyên giáo huyện ủy kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Toàn tỉnh đã có 1.833/5.887 chi bộ thôn, tổ dân phố thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố.
Được biết, hiện nay các huyện, thị xã, TP của tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng phương án sáp nhập văn phòng HĐND và UBND cấp xã, phường, thị trấn với văn phòng đảng ủy cùng cấp; sáp nhập văn phòng HĐND, UBND cấp huyện với văn phòng huyện ủy; sáp nhập Ủy ban MTTQ cấp huyện với ban dân vận huyện ủy; sáp nhập phòng nội vụ huyện với ban tổ chức huyện ủy
Ông Trần Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: “Những xã chưa đảm bảo tiêu chí sẽ tiếp tục được sáp nhập trong thời gian tới”.
Cùng với nhiều tỉnh trong cả nước, tại tỉnh Vĩnh Long, hiện nay nhiều địa phương đang thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn lại các cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội đặc thù, tổ chức bộ máy có chức năng nhiệm vụ tương đồng.
Theo đó, TP Vĩnh Long xây dựng đề án sáp nhập chợ loại I, II chuyển sang mô hình công ty cổ phần hoặc hợp tác xã; TX Bình Minh và TP Vĩnh Long xây dựng đề án sáp nhập đài truyền thanh và trung tâm văn hóa thông tin- thể dục thể thao; đề xuất xác định Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học và Hội Chữ thập đỏ là hội đặc thù, không áp dụng là người hoạt động không chuyên trách để thống nhất việc chi trả thù lao cho hoạt động và quản lý người lao động tại xã- phường; sáp nhập Hội Châm cứu và Hội Đông y cấp thị- thành…
Để tinh gọn bộ máy, tỉnh Bắc Ninh hiện đã giảm được 29 cơ quan, đơn vị. Bắc Ninh là một trong những địa phương tiên phong thực hiện giải thể Sở Ngoại vụ. Từ chỗ là đầu mối trực thuộc UBND tỉnh với 12 công chức, trong đó có đến 7 cán bộ là lãnh đạo thì nay, đơn vị này chỉ còn là một phòng với 5 công chức thực hiện tất cả các chức năng trước đây thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
Nhờ thực hiện sắp xếp lại bộ máy, đến nay, Bắc Ninh đã giảm được 29 cơ quan, đơn vị; sau sáp nhập, đã giảm được 38 lãnh đạo và 197 biên chế.
Ngoài các tỉnh trên, hiện các tỉnh Hà Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Bến Tre, Long An, Bình Dương… cũng đang bức thiết tinh giản biên chế một cách quyết liệt.
Gần đây nhất, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức đầu tháng 7, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, tính đến nay, các cơ quan hành chính tinh giản biên chế 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người. Bên cạnh đó cũng đã sắp xếp lại giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục./.
Hà Giang