• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn diễn biến phức tạp

Kinh tế 31/10/2018 07:07

(Tổ Quốc) - Đó là ý kiến chia sẻ của ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính khi phân tích về nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018.

Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước khá tích cực. Kinh tế thế giới duy trì đà phục hồi; trong khi ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn kế hoạch (GDP 9 tháng ước tăng 6,98% so cùng kỳ; kế hoạch là 6,5-6,7%). Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đáng chú ý là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Ở trong nước, quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, áp lực lạm phát gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến khó lường,.. tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính NSNN năm 2018. Cụ thể:

Tổng thu NSNN luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm vượt 3% so dự toán, trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.

Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định, đảm bảo toàn, an ninh tài chính (nợ công dự toán 63,9%, ước thực hiện khoảng 61,4%GDP

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thu cao hơn mức ước thực hiện nêu trên, giảm tối thiểu số địa phương hụt thu, trong đó có cả những địa phương là những trọng điểm tăng trưởng kinh tế - đồng thời cũng là trọng điểm thu, có đóng góp lớn cho NSNN nói chung và Ngân sách Trung ương (NSTW) nói riêng.

Chi NSNN 10 tháng ước đạt 72,4% dự toán; ước cả năm đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán.

Chi đầu tư phát triển giải ngân chậm, 10 tháng đạt 55,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,7% dự toán); ước cả năm chỉ đạt khoảng 88,2% dự toán. Trong thời gian còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các công trình, dự án.

Bội chi, kiểm soát trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ so GDP (dự toán 3,7%GDP, ước thực hiện 3,67%GDP).

Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định, đảm bảo toàn, an ninh tài chính (nợ công dự toán 63,9%, ước thực hiện khoảng 61,4%GDP).

Mặc dù thu ngân sách Nhà nước năm 2018 ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Lý giải về điều này, ông Võ Thành Hưng cho rằng, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt gảm sâu thuế quan theo các cam kết hôi nhập...

Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn diễn biến phức tạp - Ảnh 3.

Mặc dù thu ngân sách Nhà nước năm 2018 ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN:

Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Bên cạnh đó còn do nền ước thu năm 2017 để tính dự toán thu năm 2018 cao. Thực tế thực hiện, thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018. Một lý do nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành có số nộp ngân sách lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng; chẳng hạn ngành viễn thông (thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%);...

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.

Lý do là các địa phương trọng điểm thu, cũng là các khu vực trọng điểm về kinh tế, có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa về thu ngân sách,... Do vậy, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ thường giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung, trên cơ sở yêu cầu bám sát điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế,..

Chẳng hạn, dự toán thu nội địa năm 2018, trong khi dự toán thu nội địa từ sản xuất kinh doanh của cả nước tăng 13%, thì dự toán của nhóm 16 địa phương có điều tiết về trung ương tính tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2017.

Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng; thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng; đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng ( tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017)

Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa: thì xu hướng là giảm (thời điểm 31/12/2016 ở mức 8,7%; 31/12/2017 là 7,6% và 30/9/2018 là 7,5%. Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu, phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, đồng thời sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không phải điều chỉnh giam dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; rà soát số nợ thuế phản ánh đúng thực chất hơn; khẩn trương trình các cấp thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế.

Đối với năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc dự toán số thu sát thực tế hơn. Theo đó, dự toán thu nội địa từ sản xuất – kinh doanh năm 2019 dự kiến tăng 12,8%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6%-6,8% và lạm phát khoảng 4%. /.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ