(Tổ Quốc) - Chính phủ các nước Mỹ, Canada, Hàn Quốc lên kế hoạch giúp các doanh nghiệp trả hơn 75% lương nhân viên và trợ cấp thất nghiệp đáng kể mỗi tháng. Tuy nhiên, nhiều hệ thống phúc lợi xã hội đang "ùn ứ" khi nhận về hàng triệu lá đơn, website cũng tắc nghẽn vì ai nấy đều muốn sớm có tiền cứu trợ.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trên toàn cầu khi có hơn 823.000 người nhiễm bệnh và hơn 40.600 người tử vong. Song song đó, tác động đến kinh tế và công ăn việc làm của người dân cũng không hề nhỏ.
Trong nhiều tháng tới, chính phủ các nước sẽ thống kê sức tàn phá của virus corona đối với kinh tế. Tuy nhiên, Tổ chức Lao động Quốc tế vào ngày 18/3 đã cảnh báo, 25 triệu việc làm có nguy cơ biến mất trên toàn cầu. Con số này vượt qua mức 22 triệu người lao động bị mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Điều an ủi là chính phủ nhiều nước đã có biện pháp giảm đau kinh tế và hỗ trợ cho những người mất việc trong thời dịch bệnh.
Mỹ: 3,4 triệu người đã xin trợ cấp thất nghiệp, mong sớm được hỗ trợ tới 985 USD/tuần (gần 23 triệu đồng)
Mỹ vừa ban hành gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD. Điều này sẽ giúp gì cho những người mất việc vì đại dịch Covid-19? Nói một cách khái quát, bên cạnh tiền bảo hiểm thất nghiệp mà họ nhận được từ tiểu bang như trước, mỗi cá nhân còn được hỗ trợ thêm 600 USD/tuần từ liên bang trong tối đa 4 tháng. Tổng các khoản trợ cấp sẽ kéo dài trong 39 tuần tiếp theo, tức là đến hết năm 2020.
(Ảnh: Getty)
Mỗi tiểu bang có khoản trợ cấp thất nghiệp khác nhau nhưng trung bình ở mức 385 USD/tuần, theo Forbes. Cộng thêm "cứu cánh" 600 USD từ liên bang, trung bình mỗi người thất nghiệp sẽ được cấp 985 USD/tuần, con số này đã vượt qua thu nhập trung bình 936 USD/tuần trong quý 4 năm ngoái.
"Hầu hết mọi người sẽ nhận đủ tiền như mức lương của họ, hoặc rất gần với con số đó" - nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện, cho biết.
Gói cứu trợ 2.000 tỷ USD của Mỹ được Tổng thống ký ngày 27/3 nhằm chuyển tiền nhanh và trực tiếp đến những người mất việc trong đại dịch Covid-19, với hi vọng họ có thể trang trải các hóa đơn, nuôi sống gia đình và vượt qua giai đoạn khó khăn mà không bị kiệt quệ về tài chính.
Điều chưa từng thấy là người lao động tự do, thời vụ cũng đã có thể nhận trợ cấp. Dĩ nhiên thủ tục sẽ rắc rối hơn khi các đối tượng này phải chứng minh rõ thu nhập bình quân của mình.
Trong bối cảnh chung, mọi trung tâm giải quyết phúc lợi người lao động trên toàn nước Mỹ đều bị quá tải. Năm ngoái, xứ cờ hoa có tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục nên số lượng nhân viên giải quyết vấn đề này cũng rất hạn chế. Để rồi khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, Viện chính sách kinh tế Mỹ ước tính có khoảng 3,4 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp đổ dồn trong tuần cuối tháng 3. Đây là con số khổng lồ trong vòng 53 năm, vượt xa mức kỷ lục 700.000 đơn trong một tuần dưới thời Tổng thống Reagan. Hệ quả là mọi trung tâm phúc lợi đều bị tê liệt, nhưng họ nói sẽ cố gắng xử lý sớm.
Anh: Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trả 80% lương nhân viên, lên tới 2.500 bảng Anh/tháng (hơn 73 triệu đồng)
Theo Guardian, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ trả 80% lương cho người lao động, miễn là các doanh nghiệp đừng sa thải nhân viên khiến nền kinh tế thêm nguy khốn. Mỗi cá nhân có thể nhận tối đa đến 2.500 bảng Anh mỗi tháng, nhỉnh hơn một chút so với mức thu nhập bình quân.
Quán bar đóng cửa ở London sau các biện pháp cách biệt xã hội của chính phủ Anh (Ảnh: NY Times)
Trong vòng 9 ngày (từ 17 đến 25/3), Vương quốc Anh đã có thêm 470.000 đơn xin trợ cấp, khiến giới chức lo ngại một "cuộc khủng hoảng thất nghiệp" có thể bùng phát song song với dịch bệnh. Bộ trưởng Tài chính Sunak cũng đối mặt với áp lực nặng nề, đặc biệt là phải giúp tháo gỡ gánh nặng tài chính cho 5 triệu người kinh doanh nhỏ lẻ ở Anh.
Mặt khác, các doanh nghiệp sẽ được giảm thuế và vay không lãi suất trong tối đa 12 tháng. Chính phủ đã dành ra 30 tỷ bảng cho gói cứu trợ này.
Trước lệnh hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh của nước Anh để phòng chống dịch bệnh, không chỉ người lao động lo sợ mất việc mà rất nhiều công ty cũng sụt giảm nhu cầu tuyển dụng (bao gồm cả việc thời vụ trong ngành giải trí, du lịch, nhà hàng khách sạn). Chuyện xin việc, nhảy việc... biến thành một vấn đề đau đầu và về lâu dài có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tuy nhiên theo nhà kinh tế học Daniel Zhao, một số ngành lại có nhu cầu cần thêm nhân lực như lĩnh vực y tế, logistics, siêu thị...
Canada: Người thất nghiệp được nhận tới 75% lương do chính phủ chi trả
Ngày 27/3, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết sẽ giúp các doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ trả 75% lương cho nhân viên. "Điều đó có nghĩa là người lao động vẫn được trả lương, dù chủ doanh nghiệp buộc phải cắt giảm hoặc tạm thời đóng cửa công ty/cơ sở kinh doanh" - Thủ tướng khẳng định. Gói trợ cấp nói trên bắt đầu tính từ ngày 15/3 nhưng chưa rõ các điều khoản cụ thể và thời gian áp dụng.
Ngoài ra, Thủ tướng Trudeau tiết lộ chính phủ dự định mở khoản cho vay không lãi suất với thời hạn tối đa 12 tháng, tổng trị giá lên tới 40.000 USD dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(Ảnh: La Presse Canadienne)
Tương tự như nước láng giềng Hoa Kỳ, Canada cũng chứng kiến đợt "bùng nổ thất nghiệp" với khoảng 1 triệu người nộp đơn xin trợ cấp trong tuần qua. Tình trạng này còn có thể kéo dài do đất nước đã dừng lại phần lớn hoạt động kinh tế để ngăn chặn virus lây lan.
Trung Quốc: Gần 5 triệu người thất nghiệp chỉ trong 2 tháng đầu năm
Khi số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục dần giảm xuống, người dân nước này nhận ra việc phong tỏa là một "liều thuốc đắng" đã hiệu nghiệm nhưng giờ đây họ cũng đối mặt với các tác dụng phụ của nó.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đã có khoảng 5 triệu người thất nghiệp trong 2 tháng đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 2/2020 leo lên mức kỷ lục 6,2%, cao hơn hẳn 5,3% trong tháng 1 và 5,2% vào tháng 12 năm ngoái.
Trung Quốc đã khôi phục hoạt động sản xuất, nhưng người có thu nhập thấp vẫn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh (Ảnh: Bloomberg)
Theo Tân Hoa Xã, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra loạt chính sách kích thích kinh tế. Nhờ đó, người lao động sẽ được miễn giảm thuế, nhận thêm trợ cấp xã hội... Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay không lãi suất. Theo dự kiến, ít nhất 500 tỷ nhân dân tệ (gần 70,5 tỷ USD) sẽ được chính phủ chi trả nhằm thực hiện các biện pháp cứu trợ này.
Ví dụ, công ty sản xuất linh kiện Suzhou Tongjin Precision Industry đã được hỗ trợ 34.000 tệ (hơn 111 triệu đồng) để giúp ổn định công việc cho hơn 80 công nhân. Khoản trợ cấp này không chỉ giúp người lao động có thêm động lực mà còn giúp nhà máy nhanh chóng khôi phục mức sản xuất như trước, theo giám đốc Cheng Xianfeng cho biết.
Nhiều quốc gia khác cũng khẩn trương giải cứu chủ doanh nghiệp nhỏ và người có thu nhập thấp
Ở Italy - tâm dịch của châu Âu, chính quyền đã cấm các công ty sa thải nhân viên từ ngày 23/3. Ngoài ra, người lao động trong lĩnh vực thiết yếu, không thể ở nhà trong thời gian phong tỏa toàn quốc, sẽ được hỗ trợ 100 euro (~2,6 triệu đồng).
Ngày 17/3, Italy cũng ban hành gói "Cura Italia" (Chữa lành Italy) trị giá 25 tỷ euro (~28 tỷ USD) để hỗ trợ hệ thống y tế, giúp doanh nghiệp và hộ gia đình trang trải các chi phí. Người thất nghiệp sẽ được nhận tiền trợ cấp cao hơn thông thường. Ngoài ra chính phủ sẽ giảm thuế, lãi vay và ngân hàng cũng ngừng thu lãi vay mua nhà.
Italy đã phong tỏa cả nước và dừng mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu (Ảnh: AP)
Ở Australia, 6,5 triệu người có thu nhập thấp (người hưởng lương hưu, người sống nhờ trợ cấp chính phủ và hộ gia đình có trẻ nhỏ) sẽ được hỗ trợ 750 AUD/người (~10,8 triệu đồng). Chính phủ Nhật Bản đang xem xét hỗ trợ mỗi hộ gia đình 12.000 yen (~2,6 triệu đồng) để kích thích tiêu dùng. Hàn Quốc dự kiến giúp nhiều doanh nghiệp trả 70% lương cho người lao động, nới lỏng một số chính sách kinh doanh để cứu nhiều công ty khỏi phá sản. Đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) vào cuối tháng 2 đã quyết định cấp cho mỗi công dân trên 18 tuổi số tiền 1.200 USD (~28 triệu đồng).
(Theo Forbes, Guardian, Xinhua)