(Tổ Quốc) -Những câu chuyện lần đầu được bạn bè, người thân của cặp đôi Quỳnh- Vũ kể lại trên sân khấu chương trình “Tình yêu ở lại” đã khiến nhiều khán giả rưng rưng.
Tối 26/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh (1988-2018), Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Dân Việt, Nhà hát Tuổi trẻ, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Đêm thơ, nhạc, kịch “Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại.”
Dự chương trình có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đông đảo những người yêu mến Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tới dự chương trình Tình yêu ở lại |
Chỉ diễn ra một đêm duy nhất, chương trình tái hiện những ký ức đẹp nhất về hai tác giả tài năng Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh trong lòng bạn bè, khán giả. Đây cũng là dịp tưởng niệm, tri ân hai tác giả xuất sắc đã có những đóng góp đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nghệ sĩ nhân dân Doãn Châu, nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn Ngô Thảo... và những thành viên trong gia đình 2 cố tác giả đã từng gặp nhau trong nhiều lần tưởng niệm trước nhưng lần này vẫn không giấu nổi sự nghẹn ngào xúc động.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức nghẹn lời khi kể phút giây ông cậy nắp quan tài, đưa thi hài 3 người vào nhà lạnh. Nghệ sĩ nhân dân Doãn Châu nhắc lại lời cuối cùng mà bạn ông- nhà thơ Lưu Quang Vũ đã nói cùng ông trong đêm định mệnh cuối cùng, bên bờ biển, rằng: "Dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải cố gắng vượt qua, để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể một câu chuyện mà ông giữ kín trong lòng suốt nhiều năm nay, đó là khi ông đang học ở Liên Xô, nhà thơ Xuân Quỳnh có sang học một thời gian và ở cùng trường với ông. Một lần trong một cuộc nói chuyện với nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, ông bỗng nhiên thấy gương mặt của nhà thơ Xuân Quỳnh “bạc đi một nửa". Và Trần Đăng Khoa khuyên nhà thơ Xuân Quỳnh "hãy rời xa Lưu Quang Vũ nếu không cả hai sẽ gặp chuyện chẳng lành, và Xuân Quỳnh rất buồn khi nghe lời "tiên đoán" của ông, viết thư cho Lưu Quang Vũ ở Việt Nam, chị nhắc đến những lời "nói gở" của Trần Đăng Khoa làm chị buồn.
Khán giả cũng được thưởng thức những ca khúc được phổ thơ của hai tác giả như: Tiếng Việt (Lưu Quang Vũ), Bầu trời trong quả trứng (Xuân Quỳnh), Sóng (Xuân Quỳnh); hai bản nhạc “Thuyền và biển” do nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Hữu Xuân chuyển soạn, đặc biệt là được thưởng thức bài thơ “Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm, bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn” qua giọng đọc của người bạn của hai cố tác giả, nhà thơ Phạm Xuân Nguyên.
Các đại biểu tham dự chương trình Tình yêu ở lại |
Đan xen trong chương trình là các phóng sự “Lưu Quang Vũ: Thơ, kịch, văn, tình yêu con người, giá trị con người trong tác phẩm,” “Nhà thơ Xuân Quỳnh vẻ đẹp của tình yêu,” “Lưu Quang Vũ, những lời ông gửi gắm đến mai sau.”
30 năm qua, ký ức về 2 cố tác giả tài danh Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh trong lòng bạn bè, công chúng vẫn còn lại những điều đẹp nhất. Cuộc đời Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dù ngắn ngủi, anh mất năm 40 tuổi, chị mất năm 46 tuổi, ngoài khối lượng tác phẩm đồ sộ anh chị để lại, thì câu chuyện tình yêu của họ cũng là một nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ khán giả. Họ là 2 con người tử tế, đẹp đẽ, hoàn toàn xứng đáng với 2 chữ "con người", bởi những gì mà họ dành cho nhau và dành cho cuộc đời.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây - Bếp lửa” và các tập thơ tiếp sau này như “Mây trắng của đời tôi,” “Bầy ong trong đêm.”
Những người bạn, những nghệ sĩ tên tuổi chia sẽ câu chuyện xúc động về Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh |
Từ năm 1978 đến năm 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, trong thời gian này ông bắt đầu sáng tác vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17." Tiếp sau đó, hàng loạt vở kịch của ông đã gây nên hiện tượng trong làng sân khấu kịch nói cả nước như: "Nàng Sita;" "Hẹn ngày trở lại;" "Nếu anh không đốt lửa;" "Hồn Trương Ba da hàng thịt;" "Lời thề thứ 9;" "Khoảnh khắc và vô tận;" "Bệnh sĩ;" "Tôi và chúng ta;" "Người tốt nhà số 5;" "Ngọc Hân công chúa;" "Linh hồn của đá;" "Ông vua hóa hổ;" "Chiếc ô công lý;" "Ông không phải là bố tôi;" "Điều không thể mất;" "Lời nói dối cuối cùng"…
Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942, tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhà thơ Xuân Quỳnh đến với nghệ thuật với tư cách là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962-1964, Xuân Quỳnh học Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó làm việc tại Báo Văn nghệ, Báo Phụ nữ Việt Nam.
Khán giả bật khóc khi thưởng thức chương trình Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại |
Xuân Quỳnh đã in các tập thơ: Tơ tằm - chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió lào, cát trắng; Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Thơ tình Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ…Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau. Mối tình và sự nghiệp của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh đã trở thành một sự kiện, hiện tượng trong giới văn nghệ sỹ Việt Nam.
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng này năm 2017. Đây là cặp vợ chồng duy nhất của văn đàn Việt Nam cùng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Đêm nghệ thuật được ghi hình và dự kiến sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 29/8 - đúng 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ./.