(Tổ Quốc) - Tình yêu là đề tài phổ biến trong văn chương nghệ thuật. Ít nhà thơ nào là không đề cập đến tình yêu nói chung, trong đó có tình yêu đôi lứa. Ngoài “mẫu số chung”, mỗi nhà thơ lại có cách tỏ bày tình yêu theo những cách khác nhau.
Nhà thơ Y Phương
Phép cộng của thơ và tình yêu
Y Phương là một trong số những nhà thơ đã tìm được lối đi riêng viết về tình yêu đậm đà bản sắc văn hóa Tày. “Người đồng mình” đã từng tuyên ngôn xanh rờn “Nếu không yêu và làm thơ thì tôi chả còn biết làm gì nữa. Hãy yêu đi bạn ơi. Cuộc sống không có tình yêu khác nào khu vườn không có ánh nắng. Biết rằng mình đang yêu và đang được yêu làm cho cuộc sống ý nghĩa, ấm áp và giàu có - điều mà ngoài tình yêu ra, không có gì có thể làm được…”. Vì thế cũng chẳng lạ, Y Phương là người sống khá khép mình, ít thể hiện bản thân, nhưng với tình yêu thì anh tự bạch hồn nhiên, chân thật chẳng kiêng dè, giấu giữ trong thơ và cả trên Facbook cho cả thế giới biết về một Y Phương yêu mãnh liệt: “Mưa ngập đường anh vẫn tới/ Hổ báo đón đường anh vẫn tới/ Đến nơi có một Tình yêu lớn”. Và đã yêu thì bất chấp thời gian, dẫu trăm tuổi vẫn yêu: “Yêu em, anh sẵn sàng nhảy vào lửa/ Để biết mình có phải vàng ròng (Tình yêu trăm tuổi).
Trong nhiều bài thơ, Y Phương tự “phơi gan, phơi ruột” về tương quan “giàu có” vật chất, nhưng “thiếu hụt” về tình cảm: “Người ta có thể no đủ vật chất/ Nhưng lại luôn đói khát tình yêu”. Sẽ không lạ khi anh thẳng thắn tuyên bố ngay đề từ “Xin thưa” cho tập thơ song ngữ Việt - Tày “Vũ khúc Tày” (Tủng Tày) - tập thơ tình yêu đầu tiên: “Khi chưa có tình yêu/ Con người chỉ là từng hạt thóc riêng lẻ/ Có tình yêu rồi/ Con người mới trở thành cơm nghi ngút trắng”.
Người mang trái tim yêu như Y Phương luôn vịn vào thơ và tình yêu như chính quan niệm của ông: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ. Có điều đọc thơ tình của tôi phải hiểu rộng hơn là sáng tác phát huy trí tưởng tượng. Thế nên đừng gán cho nó những nguyên mẫu ngoài đời mà phải hiểu đó là sáng tạo bằng tưởng tượng”.
Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thao thiết “sỏi đá cũng cần có đôi”, thì Y Phương cũng luôn xoắn bện thơ với tình yêu thành... cặp như anh với em, như cây với đất, như bến với thuyền... Nhà thơ cho rằng đến như thời gian 12 tháng vận chuyển “bướm ong còn làm bạn với hoa" huống chi con người đầy cảm xúc mà lại sống thiếu tình yêu. Một mệnh lệnh thức yêu: “Hãy yêu thương nhau, xin đừng nhìn như vỏ trấu” (Hỡi con người). Với Y Phương, thơ và tình yêu luôn song hành, cộng hưởng để tình yêu thăng hoa cho thơ và và đến lượt mình thơ kỳ diệu hóa tình yêu thành một loài “Hoa bất tử”.
Thơ tình yêu là một phần không thể thiếu, nếu như không nói là máu thịt làm nên văn nghiệp Y Phương. Khảo sát các tập thơ của Y Phương, như “Tiếng hát tháng Giêng”, “Lời chúc”, “Đàn then”, “Chín tháng”, “Ngược gió” (Thất tàng lồm), “Đò trăng”… hầu như tập thơ nào cũng có thơ tình hoặc nguyên vẹn bài thơ, hoặc chỉ dừng ở câu thơ. Ta sẽ thấy không nhiều những bài thơ tình yêu trọn vẹn trong cả bài, như: Mùa hoa, Em cười hiền, Đi tìm, Em - cơn mưa rào - ngọn lửa, Tên em dòng sông, Tiếng nói, Da thịt em, Lặng lẽ đêm, Trời thấy…
Thường thấy hơn trong các tập thơ của Y Phương những câu thơ nồng nàn hương vị tình yêu, sắc thái tình yêu với đầy đủ cung bậc. Trong “Tuyển thơ Y Phương”, anh dành một phần “Những người đội rượu” cho thơ tình yêu nói chung (35 bài), trong đó có những bài thơ, câu thơ về tình yêu đôi lứa, như: Ước gì, Rằng, Ánh trăng, Em - cơm mưa rào - ngọn lửa, Người đi không mang áo bông, Thư Nha Trang, Đi tìm, Mùa hoa, Người bà bị phụ tình, Lá vàng lại bay, Da thịt em, Có một mối tình, Yêu muộn, Người dưng…
Nhưng phải đến “Vũ khúc Tày”, Y Phương “trình làng” cả một tập thơ trọn vẹn 100% bài thơ tình yêu, gồm 108 bài thơ tình rút từ “kho thơ yêu vô tận” của nhà thơ trước ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”. Thế mới biết “tình yêu không tuổi, ngàn đời vẫn xanh”. Y Phương không cho phép ngừng viết dù bất cứ lý do nào, dẫu bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi chân chậm, mắt mờ theo tuổi tác “Đêm đêm” chỉ còn “chân gác chăn”, kể cả đang mang tâm trạng bải hoải mệt mỏi “Bung buồn”, “Cô đơn lên chót vót”, “Nhai đau”... Tập thơ “Vũ khúc Tày” có thanh âm trong trẻo của giọt đàn, của “vũ điệu nàng Hai”, của “câu hát Hà Lều” rất... ngọt rằng: “Ta yêu nhau sinh ra nhau em ơi…”.
Hương vị tình yêu trong thơ Y Phương
Tình yêu trong thơ Y Phương xuất hiện trong muôn vạn sắc thái, tình cảm, trạng thái vui, buồn, bâng khuâng, hoang hoải, nghẹn ngào, buồn đau… Đã hình thành một phong cách, một ý thức sâu sắc là tự tắm mình, tự dung dưỡng trong cội nguồn bản sắc văn hóa Tày, Y Phương tự trang bị cho mình một hệ mỹ cảm nhất quán. Anh quan niệm, yêu và được yêu là để sống thêm một cuộc đời khác nữa. Tình yêu lớn làm trái đất chật nửa vòng tay cảm xúc . Tình yêu như bủa vây, giăng lưới, như bị bắt vía “Vía em nhập vào trán anh/ Đá buộc cổ tay anh/ Không thoát được” (Vía).
Thơ Y Phương đề cập đến các cung bậc của nỗi nhớ. Bài thơ “Em - cơn mưa rào - ngọn lửa” tràn trào nỗi nhớ triền miên theo không gian, thời gian. Cường độ nhớ thật khủng khiếp: “Chỉ một người nhớ một người/ Cũng đủ làm trái đất nghiêng” (Trái đất nghiêng). Nỗi nhớ được cụ thể hóa như “nồi ninh” xình xịch đêm ngày. Cấp độ nỗi nhớ khiến con người hoang hoải không yên. Thơ Y Phương đốt lòng cho nỗi nhớ khắc khoải để rồi chỉ còn biết “đổi nỗi nhớ em” và “Tiếp tục đếm tóc chờ” (Gửi người vào chốn rừng sâu). Yêu đi liền với giận hờn, ghen tuông. Giận cũng thật khủng khiếp, cũng đầy đủ mọi cung bậc. Nhưng ấy là “giận thì giận mà thương thì càng thương”. Thế mới biết “Tuy trời cao rộng/ Nổi cơn ghen cũng bé bằng...” (Ghen)…
Thơ Y Phương viết về tình yêu trong dự cảm cô đơn và nỗi lo âu khắc khoải. Người đàn ông trong thơ ý thức lời truyền dạy của cổ nhân "Hồi đầu thị ngạn" (Quay đầu là bờ). Cha ông người Tày cũng có câu "Ni khẩu cốc dáng" (Chạy lại đằng chuôi). Sự thành thực với mình, với tình yêu là phẩm chất cần có. Tình yêu luôn làm đẹp nhau, tôn nhau, làm đầy nhau. Biết sai phải sửa để trở thành người tốt. Ấy mới là CON NGƯỜI viết hoa: “Có em về/ Anh mất dần thói xấu/ Biết ăn năn trước lúc bình minh/ Khẩu súng trường qua cuộc chiến tranh/ Anh bắn vỡ tảng ngực thằng xâm lược” (Em - Cơn mưa rào - Ngọn lửa). Mạch thơ đang tuôn chảy về phía em - người đàn bà cảm hóa người đàn ông bằng cái đẹp, bỗng xuất hiện những hình ảnh khẩu súng, chiến tranh, kẻ thù xâm lược có vẻ như lạc điệu, phi lý. Nhưng chính sự phi lý ấy lại hợp quy luật về cái đẹp. Người lính bước ra từ cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng vẫn vẹn nguyên trái tim tình yêu “Thật là mãnh liệt trong tỏ tình, quyết liệt trong sự biến cải, nhờ tình yêu đích thực đem lại, chả thua kém một ai cả.
Hoá ra, ở đời, yêu với căm như hai đợt sóng hòa nhập, chuyển hoá thật là kì lạ”[1]. Tình yêu tự thân nó đã làm nên điều kỳ diệu có thể biến không thành có, biến thiếu thành đủ. Sự nghèo nàn cũng sẽ bị đẩy lui. Y Phương đã chứng minh điều đó qua bài thơ “Lá vàng bay lại bay” rằng: “Có một ngôi nhà ướt/ Đêm đêm mở cửa xanh”. Hình ảnh “ngôi nhà ướt” biểu hiện sự nghèo trong đời sống vật chất, nhưng lại vô cùng lãng mạn với đôi lứa yêu nhau “mở cửa xanh”. Thơ Y Phương bộc lộ lời cảm ơn tình yêu và nhất là thái độ biết ơn, tôn vinh người đàn bà: “Những gì anh có được/ Đều bắt đầu từ em” (Em - cơn mưa rào - ngọn lửa); “Tôi/ Một người đàn ông Tày/ Giờ đang sống ở thành phố này/ Mỗi ngày hao chất Tày một ít/ Nhưng mỗi khi cười khóc/ Tôi chiết mình vào em/ Bỗng thấy/ Chất Tày tôi đầy lên” (Chiết)...
Một đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ Y Phương là nỗi niềm khắc khoải, sự cô đơn. Thơ Y Phương mang nỗi cô đơn của một thi sĩ khi tự gọi mình là “Người đá”, “Người sông”, “Ông già trăm năm cô đơn”, “Ta giàu có cô đơn/ Chạm vào đâu cũng buồn”, “Đời người có mấy khúc/ Sao tôi luôn khúc chiều”… Điều đáng quý và đáng trân trọng là nỗi cô đơn ấy cũng như suối nguồn Cao Bằng quê hương ông: Suối dù vui hay buồn, giận hay thương, khổ đau hay hạnh phúc đều trong vắt, mát lành[2]. Thơ Y Phương ẩn giấu bao dự cảm về “Tình chưa họp sao vội tan” (Giọt đàn). Trái tim nghệ sĩ rất mực nhạy cảm, khắc khoải đầy dự cảm vào một ngày “Khi tình yêu mủn rồi/ Những nụ hôn ra sao?”. Nhìn bằng mắt thường sao mà thấy được, sao mà hiểu được: “Gió làm sao hiểu nổi/ Lá làm sao hiểu nổi/ Người làm sao hiểu nổi” (Khúc quành). Sự đau khổ làm cho tâm hồn thêm nhẹ nhàng và thanh cao. Nhà thơ cảm nhận hơn hết để câu thơ “Cùng nhiu nhíu đau” (Gửi người vào chốn rừng sâu)...
Thơ tình yêu có bao bài thơ thắt lòng, đắng đót vì sự “trái gió” nhức buốt, hoang hoải ấy. Kể cả khi khoác bên ngoài vẻ lặng yên thì bên trong trời vẫn trở gió, vẫn là núi lửa trào sôi, phun trào nham thạch để mỗi mảnh vỡ của nó là miền yêu quậy cựa, thăng hoa một loài “Hoa bất tử”: “Sinh con rồi/ Tình yêu ta chưa sinh/ Sinh cháu rồi/ Tình yêu ta mới đến”. Câu hỏi lớn cho tình yêu lớn đã có lời đáp khi nhà thơ nhìn thấy trong “nhập nhoạng hoàng hôn đã le lói bình minh”, “Ồ không sao/ Khi mặt trời rời bầu trời/ Những đứa con của họ bắt đầu chín”. Trái tim nhà thơ cực kỳ nhạy để thấy mình đôi khi giống như một “ốc đảo cô đơn một cách kiêu hãnh giữa xã hội xô bồ chen chúc”, nhưng lại thường trực nhu cầu giao tiếp với đời, với người.
Không chỉ là tín đồ “Tình yêu”, Y Phương còn là tín đồ “Tử vì đẹp”. Ta bắt gặp trong thơ tình yêu kẻ mê say, săn tìm cái đẹp một cách hồn nhiên. Hồn nhiên và thành thật, ấy là thơ anh. Giàu cảm xúc trước cái mới, cái đẹp, ấy là con người anh. Trân trọng tôn vinh phụ nữ, ấy là phẩm chất của anh… Thơ tình Y Phương xây dựng nhiều hình ảnh đẹp, độc đáo, tràn đầy yêu thương về người phụ nữ. Cái đẹp lan tỏa và sống động trong từng con chữ “sinh nở”, “cựa quậy”, “phập phồng”... Tự thân tác phẩm của anh đã nói lên một phẩm chất truyền thống của văn hóa Việt là tôn trọng và đề cao phụ nữ:
Người đàn ông tựa lưng người đàn bà
Còn người đàn bà tựa lưng biển cả
(Tựa)
Trong tất cả những bài thơ tình yêu của Y Phương, người phụ nữ hiện thân cho cái đẹp, có cái tên rất chung mà cũng rất riêng: “Em”. Từ “Em” thật gần gũi, thiết yếu như hơi thở, như cơm ăn, nước uống hàng ngày: “Em là củi/ Đun đời anh chín thơm/ Em là nước/ Tắm đời anh sạch thơm/ Em là cơm/ Suốt đời ăn/ Vẫn ... đói” (Cơm), hay: “Em là mực trong ngòi/ Là cơm trong nồi/ Là gà gáy/ Cũng là quả ớt”. Theo quan niệm chọn vợ của người Tày, nhân vật “Em” phải là người phụ nữ phẩm hạnh, ngoan hiền, thật thà, chất phác: “Em hiền lành/ Em chậm chạp/ Em đội chum rượu đến với anh”. Đối với người Tày, quan niệm về phẩm hạnh của người con gái rất khắt khe nhưng nó lại phù hợp với đạo đức, lối sống của chính họ. Điều đó không mâu thuẫn với quan niệm chọn người con gái về làm dâu kế thế tông đường, phụng sự tổ tiên của gia đình.
Người phụ nữ trong thơ được Y Phương chọn ví với hoa sen tôn quý, ngoài vẻ đẹp trong sáng chính là đức hy sinh. Em được ví với mùa thu: “Người làng mình tung tăng từ mùa thu đi ra/ Vừa đi vừa sáng”. Do đặc điểm làm ruộng nương, người Tày thường chọn những cô gái có thân hình nây nở, đôi chân to, chắc khỏe, người đậm đà (cảo na kha mẳng), giỏi cuốc nương làm rẫy, giỏi việc cày cấy, khéo léo. Y Phương đã vận dụng đặc điểm văn hóa đó để đưa vào thơ tiêu chuẩn chọn người phụ nữ: “Người con gái có bàn chân to khỏe/ Đạp qua bao nhiêu đau khổ/ Đến với anh”…
Y Phương đã xây dựng một hình ảnh độc đáo dựa trên hiện thực ngọn khói đốt đồng giữa thung lũng đá Cao Bằng: Em “Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp”, hình tượng “Em” tượng trưng cho sự sống bất diệt, em làm nên hạnh phúc gia đình bằng đôi bàn tay tảo tần, vun thu vén khéo, em và chỉ có em mới làm được một việc rất khó “cầm ngọn khói”, em đang trả lời sự thách đố của thiên nhiên...
Thơ tình yêu giàu yếu tố phồn thực
Thơ tình Y Phương đã can đảm vượt qua những định kiến, rào cản, đề tài cấm kỵ (tính dục) của dân tộc Tày vốn đã từng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo - điều không phải ai cũng làm được, bởi “quan niệm về tính dục, càng phải thuận theo đạo. Đạo là đạo âm dương giao hòa sinh ra con người và vạn vật. Con người sinh ra là để nói lời chân, làm điều chân, cuối cùng làm chân nhân, nên càng phải khắt khe. Khắt khe đến mức biến nó trở thành tư tưởng cấm dục”. Nếu ở các dân tộc khác, việc nam nữ “chung đụng” là hợp với quy luật của trời đất thì với “người đàn ông Tày dẫu có muốn cũng không được phép trao gửi tình cảm với người đàn bà qua tiếp xúc bằng tay, kể cả vợ chồng. Da thịt chạm da thịt là điều tối kị. Bởi theo các cụ, làm như thế ắt nó sẽ gợi dục…”. Vượt qua những định kiến đó, Y Phương đã tiếp nhận tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa dân gian Việt Nam một cách linh hoạt và cởi mở. Anh hiểu rằng bằng tư duy, trí tuệ sắc sảo, con người đã tìm các quy luật khoa học để lý giải hiện thực, xây dựng nên triết lý âm dương. Còn ở lớp trí tuệ bình dân, con người đã tìm thấy sức mạnh siêu nhiên và sùng bái các hiện tượng tự nhiên xây dựng nên tín ngưỡng phồn thực.
Dựa trên ý tưởng dân ca Tày: “Đàn bà vác loỏng lên núi/ Đàn ông tựa vách xỏ quần” (Bươn slam mẻ nhình béc loỏng khửn phja/ Pỏ slài ai pha nủng khóa), Y Phương đã diễn tả rất thành công sức đội đá vá trời của người đàn bà vào mùa yêu đương, mùa sinh nở “Núi ra hoa/ Cây ra lộc/ Đàn bà ra bầu/ Đàn ông ra râu/ Đá vật mình đê mê ra nước” (Bài hát tháng ba) để mang đến hơi thở mới về cấu tứ và phát triển ý tưởng. Nhà thơ là đề cập tới tín ngưỡng phồn thực, đến yếu tố tình dục một cách tinh tế độc đáo, đậm sắc thái dân gian:
Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi
Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ
Phát triển trên nền văn hóa dân gian đó, sau này khi học trường Viết Văn Nguyễn Du, Y Phương tiếp tục có một “Mùa hoa” thứ hai giàu tín ngưỡng phồn thực. Nhan đề bài thơ “Em cười hiền” có chút như “thách đố” về sức mạnh tự nhiên vĩ đại của đàn bà, của phái đẹp: “Rừng làm gió/ Biển làm sóng/ Ta làm lửa/ Ca ba hợp sức tấn công em/ Rừng phờ phạc/ Biển mệt nhoài/ Còn ta/ Gió thổi qua tai/ Em cười hiền”.
Trong trường ca “Chín tháng”, Y Phương đưa yếu tố phồn thực trong những câu thơ sinh nở gắn với chín tháng người mẹ mang nặng: “Nặng nhọc người đàn bà đeo gùi/ Nặng nhọc một bầu vú phì nhiêu như đất/ Nặng nhọc một bầu vú mọng căng như nước/ Đất nước/ Sinh ra từ ngực người đàn bà/ Sau đó sinh ra làng quê xóm mạc/ Sinh ra tình yêu, sinh ra bi kịch/ Sinh ra chí trai chân cứng đá mềm/ Sinh ra Khan - Khắp - Cọi”. Yếu tố phồn thực gắn với văn hóa Tày sâu đậm. Do chịu ảnh hưởng của Nho giáo, tư duy về hôn nhân của người Tày trước đây thường rất khắt khe. Vợ chồng sau khi kết hôn ít có điều kiện biểu lộ tình cảm riêng tư. Việc sinh hoạt vợ chồng không được tự do, thường phải kiềm chế, nén giấu: “Sau ngày cưới, hai vợ chồng vẫn mỗi người một buồng. Mỗi buồng chỉ cách nhau tấm liếp. Khi “có nhu cầu”, cả anh lẫn ả nén lòng, chờ cho mọi người trong nhà ngủ say tít mít, rồi mới dùng ngón tay ám hiệu qua tấm liếp, rón rén lẻn sang buồng vợ… Xong xuôi, vợ chồng nhà kia phải vội vàng xóa hết mọi dấu vết, làm như đêm qua không hề có chuyện ấy…”[3]. Từ đặc điểm về hôn nhân như thế, rừng đã trở thành “không gian riêng” phóng khoáng - nơi những cặp vợ chồng son thường kiếm cớ vào rừng lấy củi để biểu lộ tình yêu… Kết quả tình yêu giữa thiên nhiên ấy là đứa con đầu lòng ra đời. Vì thế, Y Phương đã để các cặp đôi tự do thoát khỏi những ràng buộc, cấm kỵ: “Ngủ như thế thì say sao được/ Hay là... ta buộc mình vào với mình/ Ngủ như thế thì... yên sao được”. Những đối thoại không cần kiêng dè, giấu diếm mà đi thẳng vào “vấn đề” mà chỉ có ngôn ngữ cơ thể hiểu:
Quả gì túng tính đấy mình ơi? Ăn được không? Không à?
Quả gì nhúm nhím đấy mình ơi? Sờ được không? Không à?
Thế thì... ta xoè diêm lên xem nhá…
Trường ca Y Phương đã bày ra trước mắt bạn đọc một “hiện trường” tơi tả như dư chấn của trận động đất ở trong rừng vào tờ mờ sáng hôm sau: “Lá rụng xanh lè/ Quả rơi lăn lóc/ Này chim. Này sóc. Này cáo. Này chồn. Này kiến râu ...ngơ ngác/ Con suối dưới chân chở đấy hương thơm. Hương thơm tan nát” (Chín tháng). Đến trường ca “Đò trăng”, Y Phương đưa yếu tố phồn thực vào thơ thể hiện tình cảm yêu thương, chia sẻ với những mất mát, đau thương của người phụ nữ trong chiến tranh. Anh hiểu “chiến tranh mang gương mặt đàn bà”. Người phụ nữ “ba mươi bốn năm vẫn trinh”, vẫn xa lạ với đàn ông “Chưa hề biết hơi thở nóng”, chưa có động chạm làm “Buồn buồn bò lên gáy”. Yếu tố phồn thực thể hiện bằng những chi tiết, hình ảnh khá kín đáo, nhưng đầy ám ảnh.
Y Phương hiểu văn hóa lúa nước gắn với sự phát triển sự sống, là cách thể hiện niềm mong muốn sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu, phong đăng hỏa cốc… Hiểu sâu sắc tín ngưỡng phồn thực qua một số hoạt động lễ hội Trò Trám, tục giã chày cối khi đón dâu, tạc tượng giao phối trên trống đồng, trò chơi “bắt chạch trong chum”…Y Phương đã thoát được cách nhìn dung tục để nhận thức được quan hệ nam nữ là điều kiện quan trọng duy nhất duy trì nòi giống, là linh thiêng và sinh thực khí của nam và nữ cần được trân trọng, được tôn thờ.
Điều đặc biệt vẫn trên nền thừa kế và sở hữu một kho tàng văn hóa Tày truyền thống vững chắc cùng một tình yêu với trách nhiệm của một người cầm bút “cực khó tính” với nghề: “Tôi viết như nã đạn súng kíp hàng trăm viên vào một con thú”, nhưng quyết “khai tử những “xác chết của chữ nghĩa, đã bỏ đi những bản nháp không thương tiếc, bởi những non bấy, nhạt nhòa”.
Có một điều rất lạ, thường thì người ta làm thơ tình yêu lúc trẻ, nhưng riêng Y Phương thì ngược lại, càng về tuổi xế bóng, Y Phương càng dành nhiều cảm xúc cho thơ tình yêu. Thơ tình yêu vừa có độ sôi nổi, mãnh liệt, mê say của tuổi trẻ, vừa có độ chín, đằm chắc suy tư, chiêm nghiệm, giàu triết lý nhân sinh của “ông già trăm năm cô đơn”. Thơ dẫu có sự cảm buồn, khắc khoải, hoang hoải, dồn nén… nhưng bao giờ cũng vươn tới niềm tin yêu, hy vọng tràn trào. Tác giả thơ dẫu bén tuổi “thất thập cổ lai hi” thì thơ dường như không có dấu ấn tuổi tác: “Yêu em như điên/ Yêu như gấu đói/ Yêu như hổ khát/ Yêu như cuồng phong/ Yêu như bão táp (Tình yêu trăm tuổi).
Có thể nói, Y Phương là một người sinh ra để yêu, để làm thơ, để ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ và tình yêu. Và chính mảng thơ tình yêu của Y Phương đã cho thấy một tài năng đa dạng, sáng tạo bền bỉ và mang đến cho bạn đọc một vẻ đẹp mới từ những góc nhìn mới về văn hóa dân tộc. Sau “Vũ khúc Tày”, Y Phương vẫn tiếp tục làm thơ tình và điều đó như để chứng minh một cách thuyết phục năng lượng thơ và tình yêu dồi dào, luôn song hành và giúp nhà thơ Tày thỏa sức sáng tạo:
Em
Nơi bắt đầu
Tình yêu không mất
Tình yêu không tuổi
Ngàn đời vẫn xanh…
TS. Lê Thị Bích Hồng
[1] Phạm Quang Trung: Thơ tình Y Phương. http://www.pqtrung.com/phe-binh-van-chuong/phe-binh-tho/th-tnh-y-phng
[2] Nguyễn Đức Hạnh: Đặc sắc “Vũ khúc Tày” của Y Phương (Vũ khúc Tày). Nxb Đại học Thái Nguyên, 2015.
[3] Y Phương: Từ lễ hội làm “chuyện ấy” nghĩ về dân tộc Tày (Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Ná Nhèm”).