• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổ chức Cuộc thi bút ký, phóng sự "990 năm Đất và Người Nghệ An"

Văn hoá 11/05/2020 16:10

(Tổ Quốc) - Cuộc thi bút ký, phóng sự hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; Thực hiện 7 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là những thông tin tiêu biểu tại các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình.

Tổ chức Cuộc thi bút ký, phóng sự "990 năm Đất và Người Nghệ An" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/dulichvietnam.com.vn

Nghệ An: Cuộc thi bút ký, phóng sự "990 năm Đất và Người Nghệ An"

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND phối hợp với Báo Lao động tổ chức Cuộc thi bút ký, phóng sự 990 năm Đất và Người Nghệ An.

Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2020; kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An (1030-2020); kỷ niệm 90 năm Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-2020). Qua đó nhằm tuyên truyền sâu rộng, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực của toàn xã hội về các thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, văn hoá, con người, các điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng, hấp dẫn của Nghệ An nhằm thu hút khách du lịch, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng và thu hút đầu tư vào Nghệ An sau khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Với chủ đề "990 năm Đất và Người Nghệ An", tác phẩm dự thi phản ánh nội dung về các đề tài như: những góc nhìn đa dạng, sâu sắc, nhân văn về cuộc sống đời thường, về văn hoá của vùng đất xứ Nghệ; những giá trị lịch sử truyền thống của Nghệ An trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, những cống hiến to lớn, niềm tự hào và những kỷ niệm không thể nào quên của người dân Nghệ An trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; Nghệ An hôm nay làm theo lời Bác, quê hương Bác Hồ trên đường đổi mới; Nghệ An - những điểm đến hấp dẫn…

Đối tượng dự thi là các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên (bao gồm tác giả và nhóm tác giả) ở trong và ngoài nước có đủ điều kiện hành nghề; là công dân Việt Nam nói chung, người Nghệ An nói riêng ở trong và ngoài nước đủ năng lực và hành vi dân sự.

Thể loại tác phẩm dự thi gồm: Bút ký, phóng sự, ghi chép, ký sự chân dung, phóng sự ảnh.

Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ tháng 5 đến hết tháng 8/2020; dự kiến lễ tổng kết và trao giải diễn ra vào tháng 9/2020 tại thành phố Vinh.

Nghệ An: Ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại

Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư "Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội", Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các cơ quan, phòng ban, đơn vị trực thuộc; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội. Chú trọng tuyên truyền các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, Sở cũng quán triệt, tuyên truyền nội dung nhiều văn bản quan trọng, từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Công tác quản lý nhập khẩu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc danh mục của Bộ VHTTDL được thực hiện tốt; không nhập khẩu các sản phẩm văn hóa gây tác động xấu tới sự phát triển nhân cách, nhu cầu giải trí của thanh thiếu niên hiện nay. Công tác quản lý các dịch vụ văn hóa được đảm bảo. Việc nhập khẩu, kiểm soát, thẩm định, ngăn chặn, xử lý các sản phẩm văn hóa độc hại được triển khai tốt, không để xảy ra các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, nhờ có sự chấn chỉnh về công tác quản lý, sự phối hợp giữa các ngành chức năng được tăng cường nên các hoạt động lễ hội đã đi vào nề nếp, nhất là khâu tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa trong lễ hội. Qua kiểm tra tại một số địa phương cho thấy, các lễ hội đã diễn ra an toàn, không có việc lợi dụng để truyền đạo trái phép, thực hành mê tín dị đoan…

Quảng Bình sẽ tiếp tục thực hiện 7 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và Chiến lược giai đoạn 2021 – 2030 của UBND tỉnh Quảng Bình, trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình và cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch bình đẳng giới, góp phần đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới theo kế hoạch của tỉnh đề ra như lĩnh vực lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục.

Quá trình triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới; công tác kiểm tra hàng năm ở một số sở, ban, ngành, cơ sở đã giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp nhận thức tốt hơn và hoạt động ngày càng hiệu quả; việc kiểm tra thường xuyên thực hiện Bộ Luật Lao động tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ góp phần hạn chế những vi phạm về quyền lợi, chính sách đối với phụ nữ.

Nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được nâng lên. Công tác cán bộ nữ được quan tâm chỉ đạo trên tất cả các khâu từ quy hoạch, đào tạo đến sử dụng, đề bạt. Trình độ học vấn cũng như chuyên môn của phần lớn nữ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 7 mục tiêu gồm: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin; Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ