(Tổ Quốc) - Tổ chức Cuộc thi sáng tác lời mới 20 bản tổ Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bạc Liêu; Ra mắt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Hậu Giang sau kiện toàn; Kiên Giang đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thí điểm nội dung "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" là tin tức tiêu biểu tại các tỉnh Nam Bộ mới đây.
- 01.04.2020 Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ
- 05.03.2020 Tạm hoãn Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3-2020 tại TP.Cần Thơ
- 10.08.2019 Triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tại Kiên Giang
- 29.07.2019 Tổ chức Hội thi Đờn ca tài tử, ca ra bộ và trích đoạn cải lương tỉnh Vĩnh Long năm 2019
Tổ chức Cuộc thi sáng tác lời mới 20 bản tổ Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bạc Liêu
Vừa qua, Sở VHTTDL Bạc Liêu đã có quyết định số 127/QĐ-SVHTTDL về việc thành lập Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác lời mới 20 bản tổ Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bạc Liêu.
Mục đích cuộc thi nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng nhằm khuyến khích, động viên các văn nghệ sĩ, các soạn giả, đội ngũ sáng tác và đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu có cơ hội tham gia sáng tác lời mới 20 bản tổ Đờn ca tài tử Nam bộ, từ đó tạo sân chơi lành mạnh cho văn nghệ sĩ, các soạn giả, đội ngũ sáng tác và đông đảo quần chúng nhân dân.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm lời mới cho 20 bài bản Tổ Đờn ca tài tử Nam bộ, gồm: "3 Nam" – Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (tối thiểu 20 câu, khuyến khích viết 2 lớp Trống xuân, Mái ai và Song cước); "6 Bắc" – Lưu thủy trường (32 câu), Phú lục chấn (lớp 1, 2 và lớp chót), Bình bán chấn (tối thiểu 22 câu), Xuân tình chấn (tối thiểu 2 lớp), Cổ bản vắn (34 câu), Tây thi vắn (26 câu); "7 Hạ" – Xàng xê nhịp tư (20 câu), Ngũ đối thượng (tối thiểu 20 câu), Ngũ đối hạ (tối thiểu 20 câu), Long đăng (tối thiểu 2 lớp), Long ngâm (33 câu), Vạn giá (tối thiểu 22 câu), Tiểu khúc (29 câu); "4 Oán" – Tứ đại oán (lớp 1 và hồi thủ, hoặc lớp 1 và Xang vắn, Xang dài), Phụng hoàng lai nghi (tối thiểu 2 lớp), Giang nam cửu khúc (tối thiểu 2 lớp), Phụng cầu hoàng duyên (tối thiểu 16 câu).
Các lời mới thể hiện nội dung ca ngợi, giới thiệu hình ảnh quê hương đất nước, con người Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng; những thành quả cách mạng, quá trình xây dựng nông thôn mới, dấu ấn công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc; tôn vinh những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thành phần Ban Giám khảo có sự tham gia của nhiều soạn giả có uy tín ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM. Tác giả gửi bài dự thi về Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu (16 Hùng Vương, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) từ nay đến hết ngày 30/8/2020. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020.
Ra mắt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Hậu Giang sau kiện toàn
Sau hơn 5 tháng củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (CLB ĐCTT) Hậu Giang, trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh vừa tổ chức buổi ra mắt. CLB có 15 thành viên, là những nghệ nhân đam mê, nhiệt huyết, hết lòng phát huy môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2014, đã làm tốt vai trò hạt nhân nòng cốt, góp phần trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan, nên thời gian gần đây ít hoạt động. Việc sắp xếp, củng cố, nâng chất lần này giúp CLB quyết tâm xây dựng trở thành CLB kiểu mẫu. Ngoài việc tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tuần, CLB hướng đến tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các CLB ĐCTT cấp huyện, tìm kiếm và phát huy nhân tố mới; phục vụ những chương trình ĐCTT cho người dân trong tỉnh, du khách đến tham quan tại Hậu Giang…
Kiên Giang đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thí điểm nội dung "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình"
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Kiên Giang tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" trên địa bàn phường Tô Châu. Đây là một trong 3 địa phương được tỉnh lựa chọn để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí nhằm tôn vinh, lan tỏa các chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử của các thành viên trong gia đình; đồng thời phát huy vai trò hạt nhân xã hội của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo viên triển khai các văn bản về thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình"; những nội dung cơ bản về các mối liên hệ và các tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình; hướng dẫn thực hiện các mẫu đăng ký và cung cấp các tài liệu để sinh hoạt câu lạc bộ hàng tháng đều đặn, xuyên suốt làm sao để những buổi sinh hoạt chuyên đề trở thành diễn đàn sôi nổi và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về các giá trị chuẩn mực, đạo đức, lối sống trong gia đình; cung cấp kỹ năng ứng xử, chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, cũng như tạo ra môi trường để các giá trị văn hóa truyền thống phát huy tác dụng.
Năm 2019, Sở VHTT phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang thống nhất lựa chọn phường Tô Châu, thành phố Hà Tiên; xã Định Hòa, huyện Gò Quao; xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng; thể hiện đặc trưng các khu vực: đô thị, nông thôn - biên giới và đồng bào dân tộc để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí.
Sau Hội nghị tại 03 địa phương được chọn làm địa bàn thí điểm Bộ Tiêu chí, các địa phương phát phiếu đăng ký trong các hộ gia đình là thành viên Câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững" để thể hiện sự cam kết của các thành viên trong gia đình thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí và cũng là cơ sở để tiến hành giám sát và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí. Tổ chức sinh hoạt nội dung về các kỹ năng ứng xử trong gia đình; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình; tấm gương về sự chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình tại các câu lạc bộ; trên trạm truyền thanh; cổ động trực quan; lồng ghép sinh hoạt tại ấp, khu phố... tập trung tuyên truyền cao điểm vào các đợt truyền thông hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11). Sở VHTT phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết công tác thí điểm Bộ tiêu chí nhằm đánh giá tính khả thi, hiệu quả của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Được biết, ngoài 03 địa phương được tỉnh chọn làm thí điểm, các Phòng VHTT huyện chủ động tham mưu UBND lựa chọn địa bàn để thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí như: huyện Giồng Riềng (có 04 xã), huyện Gò Quao (01 xã), huyện Giang Thành (01 xã), huyện An Minh (01 xã).
Qua đó góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đưa nội dung "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" lan tỏa trong đời sống nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, gia đình, xã hội đối với việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống và trí tuệ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.