(Tổ Quốc) - Trong hơn 70 năm qua WHO luôn nỗ lực đấu tranh với bệnh tật ở khắp nơi trên thế giới. Trong cuộc khủng hoảng Corona này, tổ chức của Liên hợp quốc bị chỉ trích khá mạnh mẽ. Với việc Hoa kỳ rút lui, WHO mất đi nhà tài trợ lớn nhất của mình.
Thành tích lớn nhất cua Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO) diễn ra cách đây đã mấy chục năm. Đó là năm 1979 – giữa cuộc chiến tranh lạnh – WHO công bố, bệnh đậu mùa đã bị loại trừ trên toàn thế giới. Một chương trình tiêm chủng quốc tế rộng khắp, kéo dài cả năm trời vượt qua các đường biên giới quốc gia, bất chấp sự khác biệt về hệ tư tưởng, điều này có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của WHO.
Hồi đó cũng như ngày nay, phương châm của WHO là: "Chúng tôi không làm chính trị." Vấn đề ở đây không phải là quản trị tốt, vấn đề ở đây là liên quan đến sức khoẻ của mọi người trên thế giới.
Tổ chức WHO được thành lập ngày 7. 4.1948 ở Giơnevơ. Nó là một dạng Bộ Y tế của Tổ chức Liên hiệp quốc, nhiệm vụ của nó là phải tạo ra một cuộc sống lành mạnh ở khắp mọi nơi, thực hiện các tiêu chuẩn về y tế và chống lại các bệnh dịch lớn. Dù là bệnh cúm lợn, Ebola hay virus- Zika – khi ở đâu đó bệnh dịch có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì bộ máy ở Giơnevơ phải vào cuộc và thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình.
Để thực hiện được nhiệm vụ của mình WHO có 150 văn phòng với 7000 nhân viên trên khắp thế giới. Đứng đầu tổ chức này hiện nay là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, một nhà sinh vật học và miễn dịch học ở Ethiopia. Dưới sự lãnh đạo của ông, WHO tư vấn cho các chính phủ, tổ chức các chiến dịch toàn cầu – thí dụ chống lại tình trạng béo phì hay hút thuốc – hoặc phát triển các phương án để ngăn chặn bệnh tật. Mục tiêu trong tương lai gần là loại trừ bệnh bại liệt và phát triển vắc xin tiêm phòng bệnh sốt rét.
Kể từ khi được thành lập đã có 194 quốc gia ra nhập WHO. Trong năm tới số lượng quốc gia thành viên sẽ giảm đi một nước. Hoa kỳ đã chính thức nộp đơn ra khỏi tổ chức này. Điều này sẽ có hiệu lực từ ngày 6. 7. 2021.
Sự chỉ trích của tổng thống Mỹ Donald Trump đứng đàng sau sự rút lui này. Ông cáo buộc WHO đã chậm trễ ra thông báo về nguy cơ nhiễm virus corona và chịu sự chi phối của chính phủ Trung quốc; tổ chức này đã tiếp nhận và truyền bá không phê phán thông tin sai lệch của Trung quốc – mặc dù số tiền đóng góp của Trung Quốc ít hơn so với của Hoa Kỳ.
Thực tế là cho đến nay mỗi năm Washington đóng góp khoảng 400 triệu đôla. Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất. Những nhà cung cấp tài chính quan trọng khác là Anh, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản. Tổng ngân sách của WHO mỗi năm là 4,8 tỷ đôla. Tuy nhiên WHO không thể tự do quyết định chi tiêu đối với phần lớn khoản tiền này, vì các khoản chi đều gắn với mục đích dành cho các chiến dịch hoặc quốc gia nhất định. Ngoài ra WHO còn nhận được sự ủng hộ từ các nguồn khác.
Trong năm ngân sách hiện nay Quỹ - Bill-và -Melinda-Gates là nhà tài trợ lớn đứng hàng thứ ba với khoảng 341 triệu đôla. Những người chi trích lo ngại qua đó tổ chức sẽ bị lệ thuộc – và WHO có thể bị chi phối bởi quan điểm và mục tiêu của các quỹ tư nhân và các nhà hảo tâm.
Sự phê phán đối với WHO
Tổng thống Trump không phải là người chỉ trích, phê phán duy nhất. Trong cuộc khủng hoảng corona hiện nay WHO phải đối đầu với sự chê trách từ nhiều phía rằng đã quá dễ dãi đối với Trung Quốc. Trong quá khứ cũng có những lời chê trách về công tác của tổ chức này.
Thí dụ WHO đã hành động quá chậm chạp khi xẩy ra vụ Ebola năm 2014 ở Tây Phi. Trên 10.000 người đã bị chết. Sau này WHO đã thừa nhận phạm sai lầm và tuyên bố sẽ thay đổi một cách cơ bản cách thức làm việc của mình.
Nhiều quốc gia trước sau vẫn tiếp tục ủng hộ WHO. Mới đây bà thủ tướng Angela Merkel tuyên bố vẫn tán thành công tác của tổ chức này. Những người ủng hộ cho rằng: thà có tổ chức quốc tế này với những yếu kém của nó còn hơn là không có gì cả.
Việc Hoa Kỳ rời tổ chức WHO có thể làm suy yếu rõ rệt tổ chức này. Trước thời điểm chính thức ra khỏi tổ chức, sẽ diễn ra cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ - và ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ cua mình dành cho WHO.
Theo spiegel