(Tổ Quốc) -Bằng bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, chỉ trong vài phút, những người nghệ nhân làng Xuân La đã biến bột gạo thành những mâm ngũ quả vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu, được trẻ em ưa thích.
Chiếm một vị trí khiêm tốn trên con phố Trung thu rực rỡ sắc màu, tấp nập người xe- Hàng Mã- hai vợ chồng nghệ nhân Thắm Thế vẫn ngày ngày mang nghề truyền thống của làng Tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đến với những người dân phố thị. |
Giới thiệu với phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc về nghề làm Tò he truyền thống của gia đình, bà Thắm chia sẻ, Tò he hay còn được gọi là chim cò vốn xuất phát từ việc làm đồ thờ cúng trong những dịp lễ tết, đặc biệt là tết Trung thu. Xưa, các nghệ nhân dùng bột nếp nặn những mâm ngũ quả, ông tiến sĩ và 12 con giáp hay những con vật gần gũi với nông thôn Việt Nam để phục vụ việc cúng lễ. Chim cò khi cúng xong sẽ chia cho trẻ nhỏ chơi (là một hình thức của việc chia lộc- thụ lộc). Sau khi chơi xong, Tò he được đem hấp với cơm và có thể ăn được. |
Làm Tò he là một nghề công phu. Nó không chỉ đơn giản là một thức chơi dân dã mà còn được tôn vinh như một nét đẹp văn hóa Việt. Cái hay của tò he là đã sử dụng những nguyên liệu quen thuộc của đồng ruộng mà đi bất cứ vùng miền nào của cái dải đất hình chữ S này, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Tò he được làm từ bột gạo nếp, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Khi gạo nếp đã đóng thành một khối trắng tinh khôi, khói vẫn bốc lên nghi ngút. Trong việc nặn Tò he, làm bột và luộc bột là một trong những công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của con giống. |
"Nghề làm quả bằng bột này tưởng đơn giản nhưng lại lắm công phu. Để tạo ra sản phẩm, phải có bột nếp, đường trắng, nước, bột đao... mà thứ gì cũng phải là loại tốt "thượng hạng" nếu không làm ra màu của quả sẽ xấu hoặc dễ bị vỡ. Vì vậy phải làm cẩn thận từng chi tiết" - ông Thế người đã có hơn 40 năm làm Tò he chia sẻ. |
Bà Lan (Hàng Bồ) cho biết, khi bà còn nhỏ những mặt hàng đồ chơi chưa nhiều như bây giờ, con trẻ ít có sự lựa chọn. Mỗi dịp Trung thu, ông bà thường hay dẫn bà ra Hàng Mã để tìm mua những con Tò he, mâm ngũ quả, đèn ông sao. |
Vậy nên vào mỗi dịp Trung thu, bà Lan vẫn hay dẫn các cháu ra đây để mua những đồ chơi truyền thống để cho con trẻ được mắt thấy, tai nghe về một nghề truyền thống độc đáo của Việt Nam. |
Rất nhiều bạn nhỏ được phụ huynh giới thiệu và mua cho mâm ngũ quả mini. |
Để làm ra 1 mâm ngũ quả, nghệ nhân phải tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất. Mỗi một mâm nghệ nhân phải làm trong hơn một giờ đồng hồ. |
Mâm ngũ quả mini gồm có đầy đủ các loại quả truyền thống với 5 loại quả, tương ứng với 5 màu theo ngũ hành. Theo quan niệm của người phương Đông, các màu quả cần có là: đen, đỏ, xanh, trắng, vàng, lần lượt tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. |
"Người trẻ thì chẳng ai muốn theo cái nghề này, vừa cầu kỳ, vất vả mà cũng chẳng được bao nhiêu. Với lại, lâu rồi, trên các phố như Hàng Mã, mâm ngũ quả của Trung Quốc bán tràn ngập nên người ta cũng thường mua về bày cho tiện"- bà Thắm nói và không giấu nổi sự lo lắng vì chẳng mấy lúc nghề làm mâm ngũ quả bột của bà sẽ bị mai một. |
Bảo Trung