• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổ quốc- nguồn cảm hứng của những áng thơ hay

31/08/2016 11:18

(Tổ Quốc)- Tổ quốc đã là cội nguồn thiêng liêng, là sức mạnh lớn lao, là lý tưởng cao đẹp. Có lẽ mạch cảm hứng trữ tình, tính sử thi hiển hách, lòng tự hào dân tộc làm khơi dậy, trào dâng mạch nguồn cảm xúc.

 

(Tổ Quốc)- Có lẽ mạch cảm hứng trữ tình, tính sử thi hiển hách, lòng tự hào dân tộc làm khơi dậy, trào dâng mạch nguồn cảm xúc. Trong những ngày đánh Mỹ ác liệt, nhà thơ Chế Lan Viên đã thốt lên từ đáy lòng mình, từ trái tim nhạy cảm, đồng vọng thiết tha, như muốn reo ca: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Và ông đã cắt nghĩa cội nguồn cảm hứng ấy bắt nguồn từ trầm tích lịch sử oai hùng của dân tộc. Mạch thơ dào dạt cuộn chảy, đắm say đầy nội lực nhưng cũng hàm súc, chắt lọc trí tuệ biện chứng khi ông viết: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả - Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”. Và ông đã khẳng định: “Ôi cái thuở lòng ta yêu tổ quốc - Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên”. Những câu hỏi tự vấn chính là để lay thức mình, đồng vọng với mình và cao hơn là nâng tầm mình lên: “Vóc nhà thờ đứng ngang tầm chiến lũy - Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”.







Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang- nơi địa đầu Tổ quốc (ảnh dulichHaGiang)

 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong chương “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng” đã khái quát tượng hình Tổ quốc từ những trầm tích văn hóa, chiều sâu của tâm thức dân tộc. Ở đây nhà thơ đã huy động nhiều vốn liếng trí tuệ, sự từng trãi gửi gắm bao kỷ niệm suy tư hòa quyện vào nhau tạo thành một cấu trúc tương phản, cuốn hút, giàu sức thuyết phục. Khi viết về “Đất nước” ông đã phát hiện: “Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút non Nghiên- Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh”. Và với bao ví von trùng điệp khác nữa, để bất ngờ nhận ra: “Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy- Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Một đất nước của nhân dân: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” và “ ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội thù thì vùng lên đánh bại.

Thơ viết về đất nước bên giọng thơ cuộn chảy, hào sảng, giàu tính sử thi vẫn có những nốt trầm sâu thẳm, những quặn thắt, những trầm tư nghĩ ngợi, những thao thiết lòng mình: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu - Nghe dịu nỗi đau của mẹ - Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ - Các anh không về lòng mẹ lặng im” (Tạ Hữu Yên). Hình ảnh đất nước thong thả với tiềng đàn bầu một dây như thi sĩ Ép-tu-sen-cô (Nga) đã ví với con đường số một là một trong những biểu tượng đẹp, mềm mại. Một vẻ đẹp như “nước” và cũng không có sức mạnh diệu kỳ nào bằng “nước”. Đó cũng chính là minh triết sống, cảm hứng nhân văn sống của dân tộc ta. Một dân tộc lưng tựa dãy Trường Sơn như một dây cung nén căng, lại như một con đê trên bán đảo đối diện với biển Đông bao sóng gió. Vì thế “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi mới ra đời đã gây được tiếng vang, được sự cộng hưởng của bao lớp người. Và thực sự đây là một trong những bài thơ có tính thời sự, mà cũng sẽ có sức sống lâu bền nhất: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa - Đã mười lần giặc đến từ biển Đông - Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử - Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng”. Và hơn một lần chúng ta được nghe giai điệu thiết tha bài hát từ bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của Nguyễn Phan Quế Mai như một lời hiệu triệu của trái tim, của lòng yêu nước cuộn sóng, khi biển Đông cuộn sóng: “Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình - Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào gềnh đá - Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả - Nơi bão tố dập dờn giăng lưới bủa vây”.

Có thể nói trong mỗi trái tim thi sĩ đều thường trực một tình yêu tổ quốc như là một điểm tựa tinh thần, một niềm kiêu hãnh. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong “Việt Nam quê hương ta” với nhịp lục bát thong thả, mênh mang mở ra một bát ngát khác từ tâm hồn. Bát ngát của đồng quê thôn Việt, bát ngát của những mùa màng ấm no. Bát ngát của một bức tranh phong cảnh thiên nhiên quấn quýt với con người như tuôn chảy, khơi nguồn dòng suối ca dao hiện đại: “Việt Nam đất nước ta ơi - Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn - Cánh cò bay lả dập dờn - Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”. Có thể nói đây là những nét phác họa tài hoa thuần việt nhưng chính đó cũng là sức mạnh của đất địa linh để sinh nhân kiệt: “Đất nghèo nuôi những anh hùng - Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên - Đạp quân thù xuống đất đen - Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân nổi tiếng với bài thơ “Quê hương”. Quê hương chính là một phần đất nước thu nhỏ, quê hương hiện ra thật cụ thể, mộc mạc đơn sơ mà thấm thía nghĩa tình: “Quê hương là chùm khế ngọt - Cho con trèo hái mỗi ngày”. Rồi: “Quê hương là cầu tre nhỏ - Mẹ về nón lá nghiêng che”. Chính đó là những điểm nhấn ấn tượng để ta thêm yêu quê, yêu đất nước khi mà: “Quê hương nếu ai không nhớ - Sẽ không lớn nổi thành người”. Cũng như trong trường ca “Những người đi tới biển” nhà thơ Thanh Thảo đã từng hơn một lần tự vấn, tự day dứt và tự giải đáp: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình - Nhưng tuổi hai mươi ai mà không tiếc - Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - một thi sĩ có nhiều thơ hay, xúc động về miền quê trung du Bắc Bộ của mình, về những người mẹ, người chị. Thì trong trường ca “Đường tới thành phố” ông cũng đã có lần day dứt thốt lên: “Nếu kẻ thù chiếm được - Một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn - Thì tổ quốc sẽ ra sao tổ quốc”. Bấy giờ tổ quốc không còn chỉ là đất đai hình hài sông núi mà đã thành máu thịt, thành sống chết với mỗi cá nhân thi sĩ - người lính.

Trong “Thơ tình người lính biển” nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa người đã nổi tiếng từ bé với “góc sân và khoảng trời”, khi anh thành người lính thì đất nước hiện hữu trong anh như một biểu tượng của tình yêu và cao hơn cả tình yêu lứa đôi: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên - Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng - Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng - Biển một bên và em một bên”. Cùng một cảm hứng đầy tính thế sự nhưng nồng nàn và chân thành đắm đuối. Chân thành trước lịch sử, đắm đuối với lòng mình nhà thơ Xuân Sách trong bài thơ “Tổ quốc” đã có những phát hiện thật tinh tế và bất ngờ. Chính sự bất ngờ và tinh tế này lại có sức cuốn hút thuyết phục, lay động lòng người, khi ông viết: “Ông cha ta không có thời gian xây dựng những lâu đài.- Thành Cổ Loa là pháo đài chống giặc - Rùa Hồ Gươm không ngậm cành mai - Ngậm thanh kiếm và lời thề cứu nước”.

Có một điều đặc biệt trong văn học Việt Nam hiện đại có hai nhà văn của những bộ tiểu thuyết khá đồ sộ, lại là tác giả của hai bài thơ duy nhất được xếp vào những bài thơ hay, độc đáo nhất khi viết về đề tài Tổ quốc. Có lẽ chính cảm hứng và tình yêu đất nước trong họ trào dâng nên họ đã tìm đến thơ với những năng lực đặc biệt riêng của ngôn từ và nhạc điệu mới tải hết những âm điệu dào dạt trong lòng mình. Nhà văn Nguyên Hồng với bài thơ dài: “Cửu Long Giang ta ơi” đã tạc vào thi ca Việt Nam một bức tượng hình tổ quốc với những nét hào phóng quyến rũ, với ngút ngàn tươi sắc hình hài đất nước rộng lớn: “Mê Kông quặn đẻ - Chín nhánh sông vàng - Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương - Mồ hôi vã, bãi lầy thành đồng lúa”. Bài thơ kết lại nhưng âm hưởng vẫn bay xa, ngân vọng lại cho đến hôm nay và mãi mãi. Bởi đó không còn là thơ nữa, mà đó là nhịp xốn xang, huyết mạch của cuộc đời bất tận: “Đêm nay - Cửu Long Giang vẫn âm vang sóng cát - Lửa chài thức sáng nhịp hát hò ơ - Đồng Tháp xa đưa những tiếng mẹ ru - Hồ Chí Minh thành ca dao bát ngát”. Trong những năm hành quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hòa vào khí thế trùng trùng điệp điệp của những đoàn quân là nhịp thơ hào sảng: “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi” của nhà văn Nam Hà.

Đến bây giờ khi viết những dòng này trong ký tức của tôi vẫn còn nguyên vẹn giọng ngâm thơ của nghệ sĩ Linh Nhâm trên Đài tiếng nói Việt Nam trong những tháng ngày lịch sử ấy: “Đường dài đi dọc Trường Sơn - Nghe vọng bài ca đất nước - Đất nước bốn ngàn năm không nghỉ - Những đạo quân song song cùng lịch sử”. Một đất nước mà bao đứa con ưu tú nhất đã lên đường dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân đẹp nhất, sung sức khát vọng nhất của mình: “Đất nước của những người con gái, con trai. Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép - Xa nhau không hề rơi nước mắt - Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”.

Vâng, Tổ quốc đã là cội nguồn thiêng liêng, là sức mạnh lớn lao, là lý tưởng cao đẹp. Cám ơn nhà thơ Chế Lan Viên đã nói hộ chúng ta niềm cảm xúc vô hạn đó khi ông chân thành tự bạch lòng mình: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt - Như mẹ cha ta như vợ như chồng - Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết - Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông”.

Nguyễn Ngọc Phú

NỔI BẬT TRANG CHỦ