(Cinet)- Sáng 25/6, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng tổ chức tọa đàm “Các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam”.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
(Cinet)- Sáng 25/6, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng tổ chức tọa đàm “Các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam”.
Theo khảo sát của iSEE (trên 1.500 người) tiến hành trong tháng 5 và tháng 6 năm 2015, gia đình Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27.5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9.9%) và các vấn đề khác. Tình trạng ngoại tình được nữ cảm nhận nghiêm trọng hơn nam, với 19.6% nữ so với 10.1% nam. Tỉ lệ nữ có cảm nhận “không bình yên”, “không thỏa mãn” với một số khía cạnh trong đời sống gia đình (chia sẻ tình cảm, quan tâm chăm sóc, sự chung thủy của bạn đời, sự phân công việc nhà) cao hơn nam đáng kể. Bạo lực gia đình cũng là một vấn đề đối với 6.2% nữ giới được hỏi.
Trong khi đó, khuôn mẫu giới “đàn ông là trụ cột gia đình” hay “cha là nóc nhà” vẫn phổ biến, một mặt dẫn đến định kiến với các gia đình đơn thân, mặt khác dẫn đến những áp lực đối với nam giới. Nam giới đang chịu nhiều áp lực hơn nữ giới về kiếm tiền nuôi gia đình (54.2%), cân bằng giữa công việc và gia đình (37.9%), hay quan hệ với họ hàng (16%). Người đồng tính, song tính và chuyển giới gặp áp lực cao trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân với người khác giới như kết hôn (27.5%), sinh con (25%) và kéo theo đó là những áp lực trong quan hệ với họ hàng (20%).
Chia sẻ kết quả khảo sát, ThS. Phạm Thanh Trà (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE) cho biết: “Trong khi những quan điểm truyền thống về gia đình như gia đình phải có bố mẹ và con vẫn chiếm ưu thế thì đã bắt đầu xuất hiện một số quan điểm mới và hình thành một số giá trị mới của gia đình. Bên cạnh tình yêu thương là một giá trị phổ quát thì tự do cá nhân, sự riêng tư, sự trung thực đã là những giá trị mới được nhiều người chọn lựa.”
Những thay đổi trong quan điểm về loại hình và giá trị gia đình thể hiện qua một tỷ lệ không nhỏ ủng hộ gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài (49%) và gia đình đồng tính (19%). Tỷ lệ khá cao người được hỏi có quan điểm trung lập với loại hình gia đình đơn thân do ly hôn (35.3%), đơn thân do không kết hôn (33.7%), sống chung không kết hôn (26.4%) hoặc gia đình không có con (32.1%), cũng cho thấy độ cởi mở nhất định với những loại hình gia đình này. Xu hướng người dân thành thị ủng hộ các loại hình gia đình phi truyền thống cao hơn so với nông thôn.
Phát biểu tại tọa đàm về định hướng phát triển gia đình Việt Nam, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VHTTDL chia sẻ: “Trong xu hướng biến đổi của gia đình nói chung và sự đa dạng của các loại hình gia đình nói riêng, giữa những tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, chúng tôi cho rằng chức năng thỏa mãn tâm lý tình cảm sẽ trở thành chức năng nổi trội của gia đình, vượt trên cả những chức năng khác như sinh đẻ, tái sản con người, kinh tế và giáo dục xã hội hóa con trẻ. Tình yêu thương và sự chia sẻ vẫn sẽ là những giá trị cốt lõi và bất biến của gia đình Việt Nam, không phân biệt loại hình gia đình”.
Ủng hộ quan điểm này, ông Bakhodir Burkhanov Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phát biểu: “Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế khẳng định mọi người đều có quyền được tạo lập gia đình, bao gồm cả người độc thân, người chuyển giới, hay hai người trưởng thành bất kể giới tính của họ. Chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ Chính phủ và Quốc hội nhìn ra những thử thách mà các đối tượng yếu thế đang gặp phải, và bảo vệ quyền tạo lập gia đình của họ”.
T.H