(Cinet) – “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển” là chủ đề tọa đàm do Tạp chí Tia Sáng tổ chức sáng 7/7 với sự tham gia của đại diện Cục Di sản Văn hóa, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý di tích Cổ Loa và nhiều nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa và lịch sử.
(Cinet) – “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển” là chủ đề tọa đàm do Tạp chí Tia Sáng tổ chức sáng 7/7 với sự tham gia của đại diện Cục Di sản Văn hóa, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý di tích Cổ Loa và nhiều nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa và lịch sử.
Tọa đàm "Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển". Ảnh: Gia Linh |
Trong khuôn khổ tọa đàm, nhiều nội dung đã được bản thảo như: Chúng ta nên bảo tồn di sản như thế nào? Cần đánh giá mức độ bảo tồn của Cổ Loa cả trên mặt đất và dưới lòng đất và ba vòng thành cùng di tích liên quan; Tầm nhìn đối với quản lý di sản; Thực trạng quản lý di sản ở Cổ Loa…
Di tích Cổ Loa được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1962. Năm 2012, Cổ Loa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Tuy nhiên, dù thành phố Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong bảo tồn, tuy nhiên, thực trạng di tích Cổ Loa vẫn đang bị xâm hại cho thấy tồn tại những thiếu hụt trong nhận thức của công chúng và cả những bất cập trong tư duy quản lý và hoạch định.
Trước năm 1995, Cổ Loa được quản lý bởi chính quyền địa phương, sau đó được chuyển giao qua nhiều đơn vị quản lý, và đến năm 2014, Bản Quản lý khu di tích Cổ Loa mới được thành lập và trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái- Nhân văn với tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên, cho đến nay, quy hoạch chi tiết 1/500 để tạo lập cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích vẫn chưa hoàn thành.
Cổ Loa – một di tích lịch sử 2.300 năm tuổi độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Nguồn: thegioidisan.vn |
Cổ Loa – một di tích lịch sử 2.300 năm tuổi độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á, di tích quốc gia đặc biệt nhưng lại không thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn? Chưa xứng tầm một di sản văn hóa độc đáo hàng nghìn năm tuổi, gắn với buổi đầu dựng nước của dân tộc? – PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, VUSTA đặt câu hỏi.
Đối với Cổ Loa, PTS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng “Cổ Loa nếu có tầm nhìn và đầu tư tốt sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Thủ đô. Hấp dẫn bởi tính lịch sử của Loa thành, bởi câu chuyện tình lịch sử bi kịch, đầy tính nhân văn, bởi cảnh quan thiên nhiên, nhân văn tuyệt vời còn giữ được. Nhưng những tiềm năng này đang có nguy cơ bị xâm thực mạnh mẽ trong bối cảnh rất nóng của đô thị hóa và sự bức xúc của người dân mong muốn thay đổi cuộc sống của mình”
Thực tế cho thấy, nhiều di sản quanh Hà Nội như Hạ Long hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch. Ninh Bình vừa là di sản thiên nhiên vừa là di sản lịch sử nhưng từ 5-10 năm nay đã thay đổi toàn diện, tiềm năng được đánh thức và trở thành một trung tâm du lịch trong cả nước.
Để giữ cho được di sản Cổ Loa và xa hơn nữa là phát huy giá trị của di sản này tất cả có lẽ phải bắt đầu từ sự đổi mới tư duy, nhận thức và sự phối hợp của cộng đồng, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, và doanh nghiệp trong việc biến những tiềm năng của di sản trở thành tiềm lực kinh tế. /.
Gia Linh