(Tổ Quốc) - Cúm là một căn bệnh lưu hành hằng năm, tuy nhiên, nếu không phát hiện, điều trị đúng cách, bệnh có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Cúm A là một bệnh truyền nhiễm, lưu hành hàng năm và có thể bùng phát thành nhiều cụm dịch nhỏ vào mùa đông - xuân. Tuy nhiên, năm nay, tại Việt Nam, cúm A lại xuất hiện, gia tăng số ca mắc bất thường vào mùa hè và đã ghi nhận nhiều bệnh nhân biến chứng nặng, phải thở máy. Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của cúm A cũng đã thay đổi, có thêm các triệu chứng và biến chứng về thần kinh.
Vậy cần làm gì để nhận biết cúm A trong thời điểm nhiều dịch bệnh khác cũng đang bùng phát? Làm thế nào để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh?
Tất cả sẽ được Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM giải đáp trong chương trình “Chuyện khó có bác sĩ” lần này.
Dưới đây là một số nội dung của chương trình:
I. Vì sao năm nay cúm A bùng phát vào mùa hè?
Hỏi: Nguyên nhân dẫn tới việc bùng phát cúm A vào mùa hè thay vì mùa đông xuân là gì?
Đáp: Xét về mặt lý thuyết, cúm A thường xảy ra vào mùa đông khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên năm nay cúm A lại bùng phát vào mùa hè. Điều này có thể lý giải bằng 2 nguyên nhân sau:
- Những người bị viêm hô hấp có 30 - 40% nguy cơ bị nhiễm virus cúm, trong đó virus cúm A chiếm nổi trội.
- Sau một khoảng thời gian giãn cách, khả năng tiếp xúc với virus cúm rất thấp. Đồng thời, việc tiêm phòng cúm trong hơn 2 năm giãn cách do dịch Covid-19 cũng bị lơ là. Điều này tạo nên khoảng trống miễn dịch, khiến dịch cúm A bùng phát ở cả trẻ em và người lớn.
Hỏi: Cúm A lây nhiễm qua những đường nào? Tốc độ lây bệnh ra sao?
Đáp: Cúm A lây nhiễm qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, trong giọt bắn chứa nhiều virus. Đồng thời, virus cúm A cũng có thể bám trên bề mặt các vật dụng hoặc trên bàn tay của người bệnh. Vì vậy, những người tiếp xúc gần với người bệnh có khả năng hít phải virus và nhiễm bệnh.
Tốc độ lây lan của virus cúm A tương đối cao và có thời gian ủ bệnh rất ngắn.
Ảnh minh hoạ: Tốc độ lây lan của virus cúm A tương đối cao và có thời gian ủ bệnh rất ngắn.
Hỏi: Thời điểm này có nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và COVID cũng đang lây lan trong cộng đồng. Vậy có khả năng đồng nhiễm cúm A với COVID hoặc sốt xuất huyết không?
Đáp: Thông thường virus có đường lây khác nhau sẽ dễ xảy ra tình trạng đồng nhiễm hơn. Sốt xuất huyết lây qua đường muỗi đốt, Covid-19 và cúm lây qua đường hô hấp. Vì vậy, người bệnh có khả năng đồng nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết cao hơn so việc đồng nhiễm 2 bệnh cùng lây qua đường hô hấp như cúm hoặc Covid-19. Tuy vậy, chúng ta vẫn có khả năng đồng nhiễm cả cúm và Covid-19. Khi đồng nhiễm 2 bệnh lý khác nhau sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị.
II. Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của cúm A
Hỏi: Cúm A có những biểu hiện như thế nào? Biểu hiện ở người lớn và trẻ em có khác nhau không, thưa BS?
Đáp: Biểu hiện của cúm A sẽ khác nhau ở những đối tượng đã có một phần miễn dịch và đối tượng chưa có miễn dịch.
Đối với những người đã có miễn dịch với virus cúm, họ thường chỉ có những biểu hiện nhẹ như viêm đường hô hấp trên như ho, sổ mũi thông thường.
Đối với những người chưa có miễn dịch, họ sẽ có biểu hiện cúm rõ rệt hơn như sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ thể, kèm theo ho, sổ mũi. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 3 - 7 ngày. Sau đó, bệnh nhân thường sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân xuất hiện biến chứng suy hô hấp, họ sẽ có biểu hiện khó thở hoặc biến chứng viêm cơ tim hoặc biến chứng về não. Tuy nhiên, tỷ lệ biến chứng về tim và não thường thấp hơn.
Ảnh minh hoạ: Ho, sổ mũi là những triệu chứng điển hình của cúm A.
Hỏi: Những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cho thấy cần phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện?
Đáp: Trước tiên, chúng ta cần căn cứ vào những đối tượng dễ trở nặng như những người lớn tuổi, những người có bệnh lý nền, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ có bệnh nền như hen suyễn.
Đối với những người không có bệnh lý nền, người thân có thể căn cứ vào cách ăn uống của người bệnh hoặc cách vui chơi của trẻ nhỏ. Ngoài ra, người thân cần căn cứ vào nhịp thở của người bệnh như thở hút lõm, nhịp thở nhanh, khuôn mặt tím tái, ngủ li bì là những triệu chứng cho thấy bệnh nhân đang trở nặng cần đưa đến bệnh viện để điều trị.
Hỏi: Nhịp thở thế nào được gọi là nhịp thở nhanh?
Đáp:
- Đối với trẻ dưới 2 tháng: Nhịp thở trên 60 lần/phút được tính là nhịp thở nhanh.
- Đối với trẻ từ 2 tháng - 1 tuổi: Nhịp thở trên 50 lần/phút được tính là nhịp thở nhanh.
- Đối với trẻ trên 1 - 5 tuổi: Nhịp thở trên 40 lần/phút được tính là nhịp thở nhanh.
Cách đến nhịp thở đúng là đứng nghiêng so với lồng ngực của em bé, tay cầm đồng hồ để song song với lồng ngực của em bé.
- Đối với người lớn: Nhịp thở trên 20 lần/phút được tính là nhịp thở nhanh.
Hỏi: Cảm cúm là bệnh thông thường nhưng nhiều BS cảnh báo về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Vậy cảm cúm nguy hiểm như thế nào?
Đáp: Trước tiên, chúng ta cần phân biệt rõ cảm và cúm. Cảm là cảm lạnh, thường do những virus khác gây ra. Còn cúm là do virus cúm gây ra.
Thông thường, diễn tiến của bệnh cảm lạnh tương đối nhẹ nhàng, thường tự khỏi sau vài ngày. Còn đối với cúm, để nhận biết bệnh chúng ta cần phải xét nghiệm. Và bệnh cúm sẽ có giai đoạn có khả năng xuất hiện biến chứng nên người bệnh cần cẩn trọng và thăm khám kịp thời để tránh bệnh trở nặng.
Hỏi: Bệnh cúm có thể dẫn đến những biến chứng gì?
Đáp: Biến chứng nghiêm trọng nhất của cúm là viêm phổi. Viêm phổi do cúm thường được chia thành 2 dạng:
- Viêm phổi do virus cúm hoặc viêm phổi siêu vi: Là tình trạng virus cúm tấn công vào nhu mô phổi và gây tổn thương.
- Viêm phổi bội nhiễm sau khi mắc cúm: Là tình trạng virus trong đường hô hấp tấn công vào phổi khi cơ thể đang suy yếu sau khi mắc cúm.
Biến chứng viêm phổi thường xảy ra ở những trẻ em có bệnh lý nền như suy giảm miễn dịch, mắc bệnh suyễn, người cao tuổi mắc bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, thừa cân, béo phì hoặc phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, cúm còn gây ra một số biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm não. Tuy nhiên, hai biến chứng này thường hiếm gặp.
Ảnh minh hoạ: Biến chứng nghiêm trọng nhất của cúm là viêm phổi.
Hỏi: Gần đây, các thống kê đã chỉ ra rằng triệu chứng của cúm mùa đã thay đổi. Theo đó có thêm các triệu chứng về thần kinh. Vậy, bác sĩ có thể nói rõ hơn những triệu chứng và biến chứng này?
Đáp: Đây là biến chứng đã được ghi nhận từ lâu. Biến chứng này có thể là do virus cúm gây viêm não nhưng cũng có thể là sốt co giật ở trẻ em.
II. Điều trị và phòng ngừa biến chứng do cúm
Hỏi: Làm gì để phòng ngừa cúm A nhất là trong thời điểm này, mùa của những chuyến du lịch và lễ hội mùa hè?
Đáp: Để phòng ngừa cúm A, người dân cần thực hiện những biện pháp sau:
- Đeo khẩu trang để tránh virus tấn công vào đường hô hấp.
- Rửa tay thường xuyên.
- Khi có biểu hiện mắc cúm cần cách ly ở nhà để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Khi ho, hắt xì nên che bằng khuỷu tay.
- Tiêm phòng vaccine phòng cúm.
Hỏi: Nếu một người mắc bệnh cúm, ngoài uống thuốc thì cần làm gì để nhanh khỏi bệnh? Các biện pháp dân gian có giúp ích gì không?
Đáp: Khi điều trị cúm tại nhà, người dân cần lưu ý:
- Uống nước thường xuyên để bù nước cho cơ thể.
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn đủ chất.
- Nghỉ ngơi đầy đủ.
- Theo dõi các triệu chứng để nhập viện và điều trị kịp thời.
Hỏi: Tamiflu là một loại thuốc được sử dụng trong cúm A. Người dân tự ý dùng thuốc Tamiflu có thể có nguy hiểm gì không ạ?
Đáp: Tỷ lệ người cần uống Tamiflu tương đối thấp, bởi đối với những người không có bệnh lý nền, cúm thường tự khỏi sau một thời gian. Chỉ có những người bị suy hô hấp nhanh mới cần uống Tamiflu. Đặc biệt, Tamiflu thường gây ra một tác dụng phụ là gây trầm cảm cho những người uống. Vì vậy, người dân chỉ nên uống Tamiflu khi có chỉ định của bác sĩ.