• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tọa đàm khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”

06/07/2017 16:50

Ngày 05/7, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.

Tham dự tọa đàm khoa học có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và quê hương Thừa Thiên Huế, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu rõ, trong những ngày này, khi cả nước đang sôi nổi tổ chức các phong trào đền ơn đáp nghĩa, những hoạt động tri ân sâu sắc hướng về ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, chúng ta cùng tưởng nhớ về một người đã cống hiến trọn đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn khắc khoải ý chí và quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Cách đây 50 năm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam đã đột ngột từ trần trước lúc lên đường vào Nam, để lại trong tâm thức các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhân dân những tình cảm sâu đậm cùng nỗi tiếc thương vô hạn. Là người luôn thực hành đạo đức Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã học được ở Người tinh thần đạo đức cách mạng cao cả, hết lòng, hết sức phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc; ở lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, lăn lộn với phong trào yêu nước, sự nghiệp kiến thiết xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; ở tấm gương mẫu mực của một nhà chiến lược tầm cỡ của cách mạng Việt Nam; luôn “cần, kiệm, liêm, chính”, tác phong và nếp sống giản dị, đời tư trong sáng, ở việc ra sức chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, lãng phí do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Tinh thần đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng khẳng định, buổi tọa đàm hôm nay là dịp để tìm hiểu sâu sắc hơn về tình cảm, sự quan tâm, sự tin cậy của Người dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Qua những năm tháng hoạt động, làm việc sát cánh bên Người, Đại tướng trở thành một trong những nhà lãnh đạo lớn, có uy tín của cách mạng Việt Nam. Qua đó, sẽ bổ sung vào các công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay về nhân cách, đạo đức, lối sống của người cộng sản mẫu mực.

Tại buổi tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được 32 tham luận với nhiều nội dung phong phú, chất lượng khoa học cao, góp phần khẳng định và làm sáng tỏ thêm những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Quân đội.

Theo Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào anh cũng xông xáo thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào và chiến sỹ; lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng; tự tôi rèn mình trong đấu tranh cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta. Như cán bộ và bà con trên mặt trận nông nghiệp gọi anh là “Đại tướng Nhân dân”.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trình bày tham luận về những quyết định tạo nên dấu ấn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là Quyết định đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử vào Ban Chấp hành Trung ương tháng 8/1945, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công tác Lào - Miên; Quyết định điều chuyển đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (7/1950) gắn với sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; Quyết định cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam với nhiệm vụ là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam, tiến tới những quyết định chiến lược nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 9/1964. Được sống và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng đẹp nhất của cuộc đời mình, trong đó có nhiều ngày Đại tướng đã đến làm việc cùng Bác tại Nhà sàn, đến nơi Bác ở để cùng đón Bác đi công tác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hà Tây...; đến báo cáo công việc và chào Bác trước những chuyến đi vào chiến trường miền Nam khói lửa cùng đồng bào miền Nam chiến đấu cho sớm đến ngày đất nước thống nhất để đón Bác thăm miền Nam cho thỏa ý nguyện Người. Bên Người, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách mẫu mực. Trọn đời mình, Đại tướng đã dâng hiến và gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bất kỳ ở đâu, làm bất cứ việc gì, Đại tướng cũng xứng đáng với niềm tin yêu và nhất mực tin cậy của Bác, luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, với các phẩm chất tiêu biểu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, theo tấm gương của Bác: sống khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào.

Kết luận buổi tọa đàm, Trung ướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà cách mạng tiêu biểu của Đảng và Nhà nước; vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự, chính trị xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng luôn gắn liền với thắng lợi của Cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những cống hiến to lớn của Đại tướng đã góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh. Là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội ta, đồng chí đã tổ chức, chỉ đạo xây dựng, phát triển Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đặc biệt đã có những cống hiến quan trọng trong việc phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị, trong xây dựng phong trào hợp tác xã nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã nêu gương trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; có phong cách làm việc khoa học, quần chúng, gần gũi với nhân dân, lối sống trong sạch, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng đội.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, cần phải tuyên truyền sâu rộng về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức sáng ngời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. “Quân đội ta cần tích cực nghiên cứu, vận dụng kết quả nghiên cứu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào hoạt động giảng dạy, huấn luyện, xây dựng tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” - Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

(Nguồn: dangcongsan.vn)

NỔI BẬT TRANG CHỦ