• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tọa đàm khoa học về kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa

05/12/2014 10:28

(Cinet) – Buổi tọa đàm khoa học về kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nôi phối hợp với Viện Khảo cổ học đã diễn ra ngày 03/12 vừa qua.

Thành Cổ Loa thuộc khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

(Cinet) – Buổi tọa đàm khoa học về kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa thuộc Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nôi phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã diễn ra ngày 03/12 vừa qua.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết: Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm phối hợp với Viện Khảo cổ học và Khoa Nhân học, Trường Đại học Wisconsin – Madison (Hoa Kỳ) đã tiến hành 3 đợt khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích thành Cổ Loa vào các năm 2007 – 2008 (cắt lũy hào Thành Trung tại Xóm Thượng và Xóm Bãi), năm 2012 (cắt Thành Ngoại tại Xóm Đống Dân) và năm 2014 (Ụ Hỏa hồi và Thành Nội tại thôn Chợ).

Từ kết quả của các nghiên cứu khảo cổ trong 3 đợt khai quật, các nhà khoa học đã khẳng định một lần nữa: Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất và có quy mô lớn nhất Việt nam cũng như Đông Nam Á. Tòa thành do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ thứ III - II trước Công nguyên. Tòa thành này được xây dựng vừa bảo vệ kinh đô, bảo vệ nhà vua và hoàng gia, vừa là căn cứ phòng thủ quân sự chắc chắn.

Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp - Viện Khảo cổ học cho biết: Kết quả nghiên cứu 3 vòng thành (giai đoạn 2007 - 2014) cho thấy, kỹ thuật đắp Thành Nội và Ụ hỏa hồi phía đông bắc Thành Nội hoàn toàn khác với kỹ thuật đắp Thành Ngoại, Thành Trung, khu vọng gác; xuất lộ gốm Đông Sơn, đồ sắt và di tích bếp lửa nằm dưới lũy Thành Trung.

Nếu giai đoạn Đông Sơn, Thành Ngoại, Thành Trung hay vọng gác được đắp hình vòng cung, rồi các giai đoạn đắp tiếp theo cũng có hình dáng như vậy, thì kỹ thuật đắp Thành Nội và Ụ hỏa hồi cho thấy các lớp đất đắp ở các giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất. Đó là tạo mặt phẳng chứ không đắp đất thành hình vòng cung và không có hiện tượng cắt đất như kỹ thuật đắp Thành Trung.

Không chỉ có vậy, kết quả nghiên cứu trong nhiều năm cũng cho thấy vật liệu sử dụng để đắp thành lũy được khai thác từ hào nằm bên ngoài thành. Thông qua địa tầng thành có thể thấy thành có cột địa tầng đảo ngược so với hào. Phần lớn bức tường thành đất được xây dựng liên tục trong một khoảng thời gian tương đối nhanh. Nhìn chung, sự kết hợp của các đồ tạo tác, tương phản kỹ thuật xây dựng và niên đại các-bon phóng xạ cho thấy đa số các lũy được xây dựng bởi một xã hội địa phương bản địa.

Cũng tại buổi tọa đàm này, các nhà khoa học đã kiến nghị lựa chọn một khu tiêu biểu nhất còn giữ được những di tích đặc trưng của thành Cổ Loa để nghiên cứu, phục hồi từ đó có cơ sở giúp du khách trong cũng như ngoài nước hiểu biết hơn về di tích đặc biệt này.

NLH

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ