Ngày 14/7, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm trao đổi chuyên môn về chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”.
Ngày 14/7, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm trao đổi chuyên môn về chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”.
“Ký ức Hội An” là một sản phẩm nghệ thuật thực cảnh đạt đẳng cấp quốc tế và tạm thời chưa có đối thủ ở Việt Nam. (Ảnh: laodong) |
Tại tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định, “Ký ức Hội An” là sản phẩm văn hóa-nghệ thuật-du lịch mang tầm quốc tế. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, ngoài xúc động về nội dung, ý nghĩa của chương trình còn là sự khâm phục đam mê của nhà đầu tư sản xuất “Ký ức Hội An”. Đây là sản phẩm được nhà sản xuất thực hiện với mục đích nghệ thuật giải trí, nhưng đã vượt qua khuôn khổ của nó khi ê kíp sáng tạo thi vị hóa lịch sử, văn hóa của miền đất này thành tác phẩm nghệ thuật. Trong điều kiện tài năng sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam còn hạn hẹp, giao lưu quốc tế còn hạn chế thì việc mời ê kíp nước ngoài đồng sản xuất, dàn dựng với công nghệ hiện đại trong các chương trình nghệ thuật là cần thiết để tôn vinh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam ngày càng đẹp hơn trong mắt người xem và du khách. Có thể coi “Ký ức Hội An” là hình mẫu cần được hỗ trợ, bảo vệ để dần dần Việt Nam có nhiều hơn các chương trình tương tự ở nhiều địa phương nhằm thu hút du lịch, tâm huyết của các nhà đầu tư không bị bỏ phí.
Ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, mà hiện nay tại Việt Nam không nhiều doanh nghiệp dám đầu tư. Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa, thế nên khi có bất kỳ doanh nghiệp nào dám “liều” đầu tư cho văn hóa thì các địa phương nên ủng hộ trong sự tư vấn về chuyên môn của các cơ quan, ban ngành có liên quan. Với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật không nên áp đặt nó gánh vác sứ mệnh gì quá lớn, bởi sân khấu nghệ thuật không phải bảo tàng hay thư viện.
Ông Nguyễn Quang Vinh góp ý, nên có sự thay đổi về đội ngũ diễn viên, sau khi các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn thuần thục, về lâu dài nhà đầu tư tạo điều kiện tập luyện cho nguồn nhân lực địa phương, tạo cho họ có cơ hội được biểu diễn, được kể chuyện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của cha ông mình trên mảnh đất địa phương. Để từ đó chương trình có sức sống bền vững, tạo nguồn thu nhập và tạo sức lan tỏa, đồng tình trong nhân dân.
Đại diện nhà đầu tư, ông Đào Quang Tùng đồng tình với các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đặc biệt là trong việc gắn lợi ích của địa phương với chương trình “Ký ức Hội An” nói riêng và Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An nói chung nhằm để người dân hiểu được giá trị cũng như lợi ích trong thời gian tới. Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cũng khẳng định, “Ký ức Hội An” là sản phẩm du lịch mới sẽ giúp tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa phương. Tỉnh sẽ đưa sản phẩm vào các chương trình xúc tiến du lịch chính thống và khích lệ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm tương tự tại Quảng Nam./.
Theo QĐND