• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tọa đàm ra mắt tiểu thuyết Người lạ trong nhà

15/09/2017 18:37

(Tổ Quốc) - Tác phẩm đoạt giải Goncourt 2016 “Người lạ trong nhà” của nữ văn sĩ Leïla Slimani do Nhã Nam chuyển ngữ vừa được giới thiệu tới độc giả Việt Nam cuối tháng 8/2017.

Người lạ trong nhà, một trong những câu chuyện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tàn bạo và xót xa, là câu chuyện đầy kịch tính và căng thẳng mà qua đó tác giả Leïla Slimani đã thể hiện cái nhìn sắc nhọn về những mối quan hệ thống trị lẫn nhau trong thế giới đương đại.

Bìa cuốn "Người lạ trong nhà" của nữ văn sĩ Leila Slimani

Câu chuyện kể về cuộc sống của cặp vợ chồng Pháp Paul và Myriam, một cặp vợ chồng bình thường sống ở quận 10 tại Paris, sau khi kết hôn, sinh con, gia đình họ trở nên bấn loạn vì phải chăm sóc con cái và hàng tá những việc lặt vặt của gia đình con mọn. Áp lực cuộc sống của họ chỉ được giải quyết khi họ tìm được cô giúp việc Louise giúp họ xử lý được toàn bộ những việc không tên trong nhà.

Louise xuất hiện, giống như một món quà của Chúa, và “món quà” đó ngày càng gắn chặt vào cuộc sống của họ đến mức tất cả trở nên phụ thuộc lẫn nhau. Thế nhưng gia đình cũng không ngờ rằng, cô vú em ‘hoàn hảo’ chính là một bóng ma trong cuộc sống gia đình họ và sau đó đã giết chết hai đứa trẻ và tự kết liễu cuộc đời mình.

Mở đầu câu chuyện là một cảnh tượng kinh hoàng: một bé trai hai tuổi đã chết, một bé gái bốn tuổi đang hấp hối và người vú em trông giữ hai đứa trẻ - kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này - cũng vừa tự kết liễu đời mình. Cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một cái kết, nhưng mọi chuyện lại không chấm dứt ở đó, quá khứ đã qua và hiện tại vừa thành quá khứ chỉ mở màn cho một bi kịch không hồi kết, dai dẳng và ám ảnh, của cuộc sống hiện đại.

Làm sao để có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa nuôi dạy con cái? Làm sao để dung hòa lòng tốt với cảm giác thống trị vốn luôn tồn tại trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động mà cụ thể ở đây là một cặp vợ chồng trẻ thị dân và người giúp việc cho họ? Làm sao để sống trong xã hội lúc nào cũng vội vã này mà không phụ thuộc quá nhiều vào những người lạ, những người ta chưa kịp hiểu hết, mà ta buộc phải chấp nhận sự hiện diện của họ ngay giữa gia đình mình chỉ để đổi lấy thêm một chút tự do, một chút thời gian cho bản thân?

Nhà văn Leila Slimani và cuốn Chanson douce (ảnh culturebox)

Với lối kể chuyện thông minh và am hiểu xã hội, tác giả đã khiến Người lạ trong nhà trở thành một trong những câu chuyện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tàn bạo và xót xa này, từ Những cô hầu gái của Jean Genet (1947) đến Nghi lễ của Claude Chabrol (1995), và xứng đáng giành giải Goncourt 2016 - một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của Pháp.

Có thể xem Người lạ trong nhà như một cuốn hồ sơ nghiên cứu nhân học để qua đó cho độc giả thấy rõ những góc khuất của tầng lớp người lao động, giúp việc tại nhà trong xã hội Pháp, một cuốn tiểu thuyết phân tích tâm lý được viết bằng một văn phong đầy chất thơ nhưng cũng hết sức u ám có thể liên quan tới bất kỳ ai trong số chúng ta.

Tiểu thuyết do Nguyễn Thị Tươi chuyển ngữ, với bản dịch thoáng, là một tiểu thuyết hay dành cho bạn đọc Việt Nam.

 

Nhà văn- nhà báo Leïla Slimani sinh năm 1981 tại Maroc, có mẹ mang quốc tịch Pháp-Algeria và bố là người Maroc. Năm 1999, cô đến Paris theo học lớp dự bị văn chương tại trường Fénelon, sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị Paris, cô là phóng viên tuần báo Jeune Afrique từ 2008. Tiểu thuyết đầu tay của cô Dans le jardin de l'ogre (Trong khu vườn của quỷ) được chuyển thể thành phim; tiểu thuyết thứ hai Chanson douce (Người lạ trong nhà) đã giành giải Goncourt 2016, khiến Leïla Slimani trở thành người phụ nữ thứ mười hai trong số một trăm mười ba người từng giành giải thưởng văn học danh giá này.



Nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết Người lạ trong nhà, Trung tâm Văn hóa Pháp sẽ tổ chức buổi tọa đàm “Cuộc sống hiện đại: trả giá bao nhiêu thì hợp lý?” để giới thiệu về tác giả, nhà văn- nhà báo Leïla Sliman và trao đổi, thảo luận về những vấn đề của cuộc sống hiện đại được thể hiện trong nội dung cuốn sách, vào lúc 18g ngày 26/9 tại Thư viện L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Tọa đàm có sự tham dự của diễn giả Nguyễn Hoàng Anh, Giảng viên trường Đại học Ngoại thương.

NỔI BẬT TRANG CHỦ