(Cinet)- Sáng 13/6, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Tranh sơn mài: Chất liệu và nghệ thuật”
(Cinet)- Sáng 13/6, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Tranh sơn mài: Chất liệu và nghệ thuật”
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Gia Linh |
Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên; ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; PGS.TS.Họa sỹ Lê Văn Sửu - Hiệu trưởng, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam; ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng viện Goethe; cùng các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, họa sĩ, chuyên gia về sơn mài đến từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các trường đại học mỹ thuật , viện nghiên cứu, xưởng họa tư nhân trong nước; và đặc biệt là các chuyên gia đến từ Đức gồm: GS. TS Monika Kopplin – Giám đốc Bảo tàng Sơn mài Munster (Đức); TS. Dave van Gombel (Hà Lan) – chuyên gia nghiên cứu và tu sửa sơn mài Nhật Bản và TS. Lịch sử nghệ thuật Marion Duquerroy (Pháp).
Sơn mài có lịch sử lâu đời và đã được nghiên cứu, phát triển từ chất liệu sử dụng trong nghề thủ công truyền thống sang nghề thủ công mỹ nghệ và cao hơn là nghệ thuật tạo hình hiện đại, với các giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và khoa học.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, Tranh sơn mài của các thế hệ họa sĩ Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong Bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Vì vậy, tọa đàm “Tranh sơn mài: Chất liệu và nghệ thuật” là sự kiện mang nhiều ý nghĩa, góp phần phát triển nghiên cứu khoa học, phục vụ các nhiệm vụ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trọng tâm là việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, tu sửa, trưng bày và giáo dục về nghệ thuật sơn mài.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng biểu dương và ghi nhận sự cố gắng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và viện Goethe Hà Nội đã phối hợp tổ chức tọa đàm có ý nghĩa này. Đây cũng là tiền đề đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trở thành một địa chỉ văn hóa lý tưởng, nơi tiếp sức và tạo động lực cho những ý tưởng sáng tạo, tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với công chúng.
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Gia Linh |
Lịch sử nghệ thuật sơn mài của mỗi quốc gia đều có những sáng tạo riêng, góp phần làm phong phú nghệ thuật sơn mài của thế giới. Nhựa sơn, từ một chất liệu truyền thống được sử dụng rộng rãi ở Đông Nam Á trong nghệ thuật trang trí và thủ công mỹ nghệ. Ở Việt Nam, từ kỹ thuật sơn ta cổ truyền đến kỹ thuật sơn mài hiện đại là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu của các sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1930, đánh dấu sự ra đời hội họa sơn mài Việt Nam đến những sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ để từng bước hình thành nền hội họa sơn mài Việt Nam hiện đại.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, “Sưu tập tranh sơn mài Việt Nam có vị trí quan trọng trong phần trưng bày Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Việc tổ chức tọa đàm góp phần vào công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng nói chung, công tác bảo quản, tu sửa, trưng bày và giới thiệu về hiện vật, tác phẩm sơn mài của bảo tàng nói riêng.”
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
Theo đó, ông Minh nhấn mạnh các vấn đề mà tọa đàm đề cập, bao gồm: Những vấn đề chung về tranh sơn mài với sự hình thành tranh sơn mài, lịch sử tranh sơn mài, khái niệm tranh sơn mài, quan niệm về tranh sơn mài…; Công tác bảo quản và tu sửa hiện vật, tác phẩm sơn mài, những chuyển biến về kỹ thuật và chất liệu trong sáng tác tranh sơn mài…; Nghệ thuật tranh sơn mài, khai thác và phát huy giá trị nghệ thuật bộ sưu tập tranh sơn mài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nghệ thuật sơn mài Việt Nam là một hình thức độc đáo của tranh sơn mài lấy cảm hứng từ cách tạo hình của phương Tây nhưng sử dụng nhựa cây sơn của Việt Nam để thể hiện đề tài, chủ đề về con người và cuộc sống của Việt Nam. Hơn 80 năm đã qua đi kể từ dấu mốc lịch sử nghệ thuật sơn mài khi các nghệ sĩ Việt nghiên cứu sử dụng nhựa sơn – chất liệu chuyên sử dụng trong nghệ thuật trang trí sang chất liệu sáng tác nghệ thuật hội họa. Hoàn cảnh xã hội và nghệ thuật hiện nay đang đặt ra câu hỏi làm thế nào để phát huy những giá trị cốt lõi của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, làm thế nào để tiếp tục khẳng định thương hiệu sơn mài Việt với thế giới?
Gia Linh