• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tọa đàm về văn học trẻ thành phố Hồ Chí Minh

14/11/2016 14:20

(Cinet)- Vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm Văn học trẻ thành phố Hồ Chí Minh - Một cái nhìn.

(Cinet)- Vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm Văn học trẻ thành phố Hồ Chí Minh - Một cái nhìn.

Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn



Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ, giảng viên chuyên nghành ngôn ngữ văn học, các nhà văn trẻ cùng các bạn sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.



Một trong những vấn đề đặt ra trong buổi tọa đàm, theo nhà thơ Phan Hoàng là “làm sao để những tác phẩm của người viết trẻ vừa có giá trị nghệ thuật đích thực vừa có sức sống bền lâu lại được đông đảo bạn đọc đón nhận”. Vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến đến từ các tác giả trẻ cũng như bạn đọc tham dự.



Chia sẻ quan điểm của mình về văn học trẻ, PGS. TS Trần Lê Hoa Tranh bày tỏ: “Văn học trẻ hiện nay cần một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà nghiên cứu hàn lâm. Cần xem đây là một bộ phận quan trọng của văn học một quốc gia, dù họ là đại chúng hay tinh hoa thì cũng cần phải nghiên cứu, cần trở thành những đề tài nghiên cứu ở nhiều mức độ, ngắn thì là bài báo, dài thì là công trình, sách,… vì những tác phẩm này phản ánh thời đại mà người trẻ đang sống”.



Ở một “cái nhìn khác”, nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhận định: “Văn học trẻ Sài Gòn có một đặc tính dễ nhận diện, đó là chấp nhận mọi sự khác biệt trong sáng tạo. Cả người viết lẫn người đọc đều không kỳ thị lối viết phá cách của người này hoặc lối viết giản dị của người kia… Do đó, khi đã nhập cuộc vào dòng chảy văn học trẻ Sài Gòn, các cây bút trẻ không vì xao động trước một thứ mốt thời thượng nào mà khước từ sở trường của bản thân. Chính điều này tạo nên một đội ngũ tác giả đô thị có cá tính đa dạng”.



TP. Hồ Chí Minh là thành phố năng động bậc nhất cả nước. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều nhà văn trẻ sinh sống, làm việc và sáng tác. Cuộc sống sôi động ở một thành phố lớn trong thời buổi mở cửa tiếp nhận nhiều luồng văn hóa khác nhau trên thế giới đã tác động không nhỏ đến tác phẩm của những nhà văn trẻ. Chính vì vậy, nền văn học Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ như thế nào, lệ thuộc phần lớn vào yếu tố con người và phải làm sao để tạo những bệ phóng giúp các nhà văn trẻ có thể bay cao, bay xa trong chân trời lao động sáng tạo của mình là vấn đề quan trọng đặt ra.



M.N (Tổng hợp: SGGP, TTVH)

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ