• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tọa đàm “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam”

21/10/2010 08:40

(Cinet) - Ngày 20/10, tại Hội trường Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Đây là cuộc tọa đàm cuối cùng trong khuôn khổ LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất.

(Cinet) - Ngày 20/10, tại Hội trường Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Đây là cuộc tọa đàm cuối cùng trong khuôn khổ LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất.

Tham dự buổi tọa đàm gồm có các nhà làm phim đến từ khắp nơi trên thế giới như: Giám đốc LHPQT Tampere - Juhani Alanen, Giám đốc Chương trình LHP Quốc tế Pusan - Kim Ji Seok, Giám đốc điều hành Liên hoan phim Quốc tế Hongkong - Shaw Soo Wei; cùng đại diện Cục Điện ảnh Việt Nam và nhiều nghệ sĩ, các nhà làm phim Việt Nam…

Cuộc tọa đàm xoay quan các nội dung chính như: những tiêu chuẩn của một nền công nghiệp điện ảnh, xây dựng nền công nghiệp điện ảnh trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, các kinh nghiệm đi trước của những nền điện ảnh phát triển trên thế giới, các giải pháp để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, buổi toạ đàm đã thực sự trở thành một diễn đàn để những người tâm huyết với điện ảnh nước nhà có cơ hội được bày tỏ tiếng nói của mình.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Lê Ngọc Minh cho biết, công nghiệp điện ảnh trên thế giới đã xuất hiện và phát triển từ rất lâu, song với Việt Nam đây vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Tuy nhiên để nền điện ảnh phát triển bền vững thì không thể không xây dựng điện ảnh như một ngành thương mại thực thụ.

Nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm đã khẳng định rằng: Muốn xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, Việt Nam cần phải sản xuất được nhiều phim, hệ thống rạp quy chuẩn, chất lượng để thu hút khán giả và cơ bản là phải chiếm được thị trường nội địa, sau đó mới vươn ra quốc tế.

Ở Việt Nam hiện nay mỗi năm chỉ có khoảng 10-12 phim ra mắt khán giả, tập trung vào mùa Hè và Tết. Đối tượng chủ yếu mà các phim này hướng vào lại là khán giả trẻ ở thành thị, còn khán giả ở tuổi trung niên thường không biết xem phim gì mặc dù nhu cầu thưởng thức của đối tượng này rất cao. Trong tương lai cần phải tập trung đầu tư sản xuất nhiều phim Việt hơn nữa, khoảng 70 - 80 phim/năm, đưa phim Việt đến với khán giả nhiều hơn nữa mới có thể cân bằng thị trường phim hiện tràn ngập phim nhập khẩu như hiện nay, với tỷ lệ 150 phim nhập/năm so với 10 phim Việt sản xuất trong nước khiến phim Việt thua ngay trên “sân nhà”.

NSƯT Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: Để bước đầu xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành điện  ảnh, nhất là hệ thống trường quay. Hơn nữa, để tăng số lượng, chất lượng phim Việt, cần tạo điều kiện nhiều hơn cho các đơn vị xã hội hóa tham gia sâu rộng vào lĩnh vực sản xuất phim, mở rộng thị trường điện ảnh. Cần quan tâm nhiều hơn nữa tới khâu quảng bá phim để thu hút đông đảo khán giả tới rạp chiếu phim, mua vé xem phim chứ không phải tới xem bằng giấy mời.

Ông Hà Phạm Phú - nguyên giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn phân tích: một nền công nghiệp điện ảnh cần có ba yếu tố: hệ thống hạ tầng cơ sở đủ đảm bảo sản xuất phim, hệ thống rạp chiếu phim phủ kín toàn quốc, có thị trường điện ảnh thật sự; một nền tài chính lành mạnh đầu tư vào sản xuất phim như một ngành công nghiệp thu lợi nhuận, và nghệ sĩ phải được tự do sáng tạo. Ông cho biết, để đảm bảo ba điều kiện tiền đề xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, ngoài việc đầu tư hạ tầng thì việc trước mắt có thể làm mà chưa cần đến tiền là cho nghệ sĩ tự do sáng tạo thật sự, và tạo điều kiện tốt nhất để hợp tác làm phim với nước ngoài. Gửi người đi học nước ngoài cũng tốt, nhưng không trường học nào tốt bằng quá trình làm phim thực tế với các nhà làm phim nước ngoài khác nhau…

Có thể nói, các ý kiến của các đại biểu tham dự buổi toạ đàm đã đem lại một cái nhìn tổng thể về thực trạng điện ảnh Việt Nam, từ đó vạch ra con đường phát triển cụ thể để hoàn thành mục tiêu xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Một nền công nghiệp điện ảnh phải đáp ứng được các tiêu chí: quy trình sản xuất hiện đại, kỹ thuật tiên tiến; có nhiều bộ phim chất lượng; có thị trường điện ảnh trong và ngoài nước và các chính sách đòn bẩy khích lệ của Nhà nước. Làm được điều này, mong muốn sẽ thành hiện thực.

 

CN Tổng hợp

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ