(Tổ Quốc) - Cho tới cuối giờ chiều ngày 4/2 đã có 53 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến.
- 05.02.2021 Trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà
- 02.02.2021 Thêm nhiều tỉnh cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch
- 02.02.2021 Ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội thăm cô, trò Trường tiểu học Xuân Phương ở khu cách ly
- 02.02.2021 Các trường đại học chủ động quyết định cho sinh viên nghỉ học
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các đơn vị thuộc Bộ và toàn ngành Giáo dục trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với đợt bùng phát thứ 3 của dịch Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kinh nghiệm ứng phó từ các đợt dịch trước đã giúp cho việc phòng, chống, ứng phó của toàn ngành lần này chủ động, vững vàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do yếu tố phức tạp và quy mô tác động rộng hơn của đợt dịch thứ 3 nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của một số học sinh, giáo viên trong ngành.
Gửi lời thăm hỏi, chia sẻ tới các em học sinh, phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo đang thực hiện cách ly y tế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GDĐT đã và đang phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam để có các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, động viên các em học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh tại các khu cách ly, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần.
Cho tới cuối giờ chiều ngày 4/2 đã có 53 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến. Bộ trưởng lưu ý, đợt nghỉ học trước đã có gần 80% học sinh phổ thông được tiếp cận học trực tuyến, học qua truyền hình, có nghĩa là vẫn còn 20% học sinh, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa khó khăn trong tiếp cận nên yêu cầu đối với lần này là mở rộng và đặc biệt chú trọng tới đảm bảo chất lượng.
“Đợt dịch lần trước là tình huống, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên làm đại trà, lần này đã có kinh nghiệm rồi cần làm chắc chắn và chất lượng”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời, yêu cầu các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thiện, để ban hành Thông tư Quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên ngay trong tuần này.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị chuyên môn có văn bản gửi với các nhà mạng, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đề nghị hỗ trợ hạ tầng, đường truyền phục vụ cho hoạt động dạy và học trực tuyến. Việc xây dựng kho bài giảng điện tử cũng phải được tiếp tục quan tâm thực hiện để qua đó chia sẻ chung trên toàn quốc.
“Một mặt toàn ngành cần chủ động, tích cực, mặt khác cũng cần bình tĩnh, tránh hoang mang. Mỗi bậc học cần xây dựng kịch bản ứng phó để trong từng tình huống cụ thể vẫn đảm bảo mục tiêu kép: an toàn sức khỏe cho học sinh sinh viên, giáo viên và đảm bảo kế hoạch dạy và học trong điều kiện học sinh sinh viên không thể đến trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.