(Toquoc)- Ngày nay, các nhà văn trẻ bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thông, nhiều khi họ tự đánh mất mình trong những chương trình quảng bá. Tuy nhiên vẫn có những nhà văn nhận thức được mình, họ đã tìm được mình trong dòng chảy cuộc sống. Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu cuộc trò chuyện với cây bút Phạm Duy Nghĩa.
(Toquoc)- Ngày nay, các nhà văn trẻ bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thông, nhiều khi họ tự đánh mất mình trong những chương trình quảng bá. Tuy nhiên vẫn có những nhà văn nhận thức được mình, họ đã tìm được mình trong dòng chảy cuộc sống. Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu cuộc trò chuyện với cây bút Phạm Duy Nghĩa.
PV: Anh nhìn nhận những thành tựu văn xuôi của văn học Việt
Nhà thơ Hữu Thỉnh bắt tay
nhà văn trẻ Phạm Duy Nghĩa
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Thế kỷ trước văn xuôi đã có rất nhiều thành tựu mà chúng ta đều đã biết. Tuy nhiên nói về văn xuôi cả thế kỷ thì lớn quá, vì thế tôi chỉ nói về những nhà văn ít nhiều có ảnh hưởng đến sáng tác của tôi. Tôi yêu thích Nguyễn Minh Châu với những manh nha đổi mới văn học từ đầu thập kỉ 80. Ông đem đến cái nhìn đa diện thay thế cách nhìn một chiều trước đó về con người, cùng những mảng tối số phận, những khát vọng nhân bản, văn ông luôn mang nỗi đau của một nhà văn lớn. Trong văn học đổi mới, tôi ngưỡng vọng Nguyễn Huy Thiệp. Ông một mình một cõi, độc sáng, không giống ai, mà chỉ có người ta giống ông. Nghiên cứu và sáng tác về miền núi nên tôi đọc nhiều Ma Văn Kháng. Ngôn ngữ của ông sang trọng, dùng mãi không bạc, không vơi. Tôi có ảnh hưởng Ma Văn Kháng.
PV: Trong các sáng tác của mình, anh thường quan tâm đến những vấn đề gì nhất? Các nhà văn trẻ có những mối quan tâm đồng nhất không?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Tôi quan tâm đến đời sống của trí thức và các dân tộc ít người ở miền núi. Đặc biệt yêu thích thiên nhiên miền núi. Nó đã trở thành phông nền cho tác phẩm, là nhân vật thứ hai trong tác phẩm của tôi.
Tôi muốn biết đồng bào dân tộc của ta sống thế nào, cả về vật chất lẫn tinh thần, trong thời kì đổi mới với kinh tế thị trường. Muốn vậy nhưng tôi ít có cơ hội để tìm hiểu nhiều. Tôi thấy khoảng cách tụt hậu giữa người vùng cao với người miền xuôi và đô thị còn rất lớn.
Về mối quan tâm của các nhà văn trẻ hiện nay, có đồng nhất hay không, điều đó phụ thuộc nhiều vào điều kiện sống của cá nhân mỗi người viết.
PV: Vậy sự chuyển đổi điều kiện sống từ miền núi ra thủ đô của anh có làm thay đổi đề tài sáng tác không?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Thay đổi môi trường sống là một điều phải lo nghĩ của nhiều nhà văn. Bởi vốn sống về môi trường cũ không được bồi đắp sẽ vơi đi, trong khi với môi trường mới lại chưa quen, thậm chí chưa yêu và chưa hiểu về nó. Riêng tôi, hiện giờ chưa thể nói gì về sự theo đuổi một đề tài hay thay đổi nó. Viết về cái gì và vùng đất nào luôn phụ thuộc vào sự gắn bó, vào hiểu biết và tình cảm của người viết, mà điều đó cần phải có thời gian.
Có một số nhà văn là người Hà Nội gốc như Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp viết hay về cả miền núi và miền xuôi, thành thị, những môi trường khác hẳn nhau. Nhưng đó là những tài năng lớn.
PV: Vậy còn đề tài chiến tranh? Nhất là khi anh đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội - nơi có rất nhiều nhà văn quân đội trưởng thành với đề tài này?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Từ khi về Văn nghệ Quân đội công tác tôi cũng có quan tâm hơn đến đề tài này. Tuy nhiên, tôi là người luôn trung thành với sự thật. Tôi chỉ viết những gì đã biết, đã trải qua. Không biết mà vẫn viết sẽ không hay, thậm chí rất giả.
PV: Nghĩa là trong một tương lai không xa văn học của chúng ta sẽ không còn những tác phẩm về đề tài chiến tranh của các cây bút trẻ?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Điều này tôi không dám chắc. Có thể vẫn còn những cây bút trẻ trong và ngoài quân đội đang theo đuổi đề tài này và đến một lúc nào đó họ sẽ công bố tác phẩm. Về phần tôi, vì hiểu về nó ít nên tôi không viết về chiến tranh.
PV: Khi đọc lại tác phẩm của mình những ngày đầu tiên, anh thường có suy nghĩ gì? Có bao giờ tồn tại một sự mâu thuẫn về con người của hiện tại và quá khứ không?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Tôi thường không đọc lại những sáng tác đầu tiên của mình, nhưng tôi vẫn nhớ các tác phẩm đó. Bởi tôi đã viết ra chúng một cách cẩn thận và nghiêm túc. Tôi thấy mình trước kia và bây giờ không khác nhau nhiều lắm, dù tất nhiên theo thời gian thì cả người và văn có già hơn. Một nét ngây thơ nào đó của quá khứ, biết đâu, lại là một vẻ đẹp riêng mà sau này khi đã khôn và già người ta muốn cũng không làm lại được.
PV: Anh thấy các cây bút thế hệ của anh có gì khác so với các cây bút hiện nay?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Tôi thấy thế hệ tôi, được gọi là 7X, đã và đang từ những lối đi riêng cố gắng đóng góp vào cái nền chung của văn học. Mỗi người điềm tĩnh đi theo những đề tài là sở trường họ đã chọn, ví dụ như Đỗ Bích Thúy vẫn viết về miền núi, Đỗ Tiến Thụy vẫn viết về nông thôn, Nguyễn Ngọc Thuần cứ viết cho thiếu nhi, như họ muốn… Ở tuổi này hình như không có sự a dua. Còn các thế hệ sau, tôi có cảm giác họ quá tự tin nhưng còn thiếu cơ sở. Họ còn trẻ, tập trung ở đô thị, vốn tri thức chủ yếu chỉ qua sách vở và Internet, sống và đi chưa nhiều, trong khi sự sâu sắc trong trải nghiệm và suy nghĩ lại rất cần cho văn xuôi. Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì sáng tác của thế hệ này phản ánh một cuộc sống nghèo trí tưởng tượng. Họ tô đậm một cái tôi cô đơn và tâm trạng ít nhiều bế tắc.
PV: Theo nhà văn, vì sao lại có những khác biệt này, đó là do chủ quan hay khách quan?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Hình như càng trẻ thì càng có thiên hướng đề cao cái tôi và muốn mọi người chú ý đến cái tôi của mình. Điều này trước hết do tác động của thời đại. Từ cái Tôi đến cái Ta, rồi từ Ta lại trở về Tôi, xưa nay văn học nước mình luân chuyển tuần hoàn theo cái chu trình ấy. Trước kia nền văn học cách mạng hướng về cái chung của cộng đồng thì nay trong thời bình văn học phải quan tâm đến cái riêng, đến số phận cá nhân. Đó là một tất yếu, là sự bù đắp những khoảng thiếu hụt cho văn học của chúng ta. Yếu tố sex bùng phát trong văn học của ta hiện nay cũng là sự bù trừ cho cái mà trước kia né tránh. Tuy nhiên, cho đến nay yếu tố này xuất hiện quá nhiều. Tôi đang nghĩ: có nhất thiết phải đưa sex vào văn chương không? Làm sao loại bỏ sex ra khỏi tác phẩm mà tác phẩm vẫn hấp dẫn được số đông người đọc?
PV: Cách thể hiện tác phẩm của các cây bút trẻ văn xuôi đã khác so với các nhà văn trước kia, ví dụ như sử dụng câu ngắn, nhịp văn nhanh… anh thấy điều đó đã thực sự mới chưa?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Nhịp điệu cao, quy mô gọn trong sáng tác hiện nay là sự phản chiếu nhịp sống gấp gáp của thời đại thông tin và toàn cầu hoá. Đó là nét mới của văn học đương đại. Tuy nhiên, có những người đơn giản nghĩ rằng cứ “cập nhật” vào tác phẩm những cái mới trong đời sống hiện đại như online, nickname, vũ trường, động lắc… với ít tiếng Tây tiếng Tàu thì tác phẩm của mình sẽ là mới, là “sành điệu”. Nghĩ vậy thì thật ngây thơ. Những cái đó chỉ là khách thể, là đối tượng mô tả, bản thân nó không nói nên điều gì. Cái mới, cái hiện đại nằm ở bút pháp, cách viết. Như Nguyễn Huy Thiệp viết chuyện nông thôn quê mùa hay chuyện lịch sử xa xưa, nhưng ai bảo ông ấy không hiện đại?
PV: Báo chí và phê bình đã tác động đến sáng tác của anh như thế nào?
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Tôi không bị tác động bởi báo chí và phê bình. Tôi sống bình lặng, có phần bàng quan, tránh những ồn ào, ngay từ ngày mới viết. Tuy nhiên đọc những gì người khác viết về mình cũng là nhận một sự chia sẻ đáng trân trọng, giúp nhà văn nhận thức về mình rõ hơn.
Cảm ơn anh và chúc anh thành công trên con đường mà mình đã lựa chọn.
HIỀN NGUYỄN (thực hiện)