(Tổ Quốc) - Thời gian qua, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Hà Nội bước đầu thu được những kết quả cụ thể, chất lượng dạy học không ngừng được cải thiện, số học sinh được thụ hưởng kết quả này tại các quận, huyện, thị xã dần tăng lên.
Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố Hà Nội và danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021-2025 của Quỹ đầu tư phát triển Tp. Hà Nội…
Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2025, toàn Thành phố phấn đấu tỉ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%. Duy trì, giữ vững nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu giai đoạn 2022-2025 công nhận mới tăng thêm từ 432-552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp mầm non từ 153-201 trường, cấp tiểu học từ 163-211 trường, cấp trung học cơ sở từ 100-119 trường, cấp trung học phổ thông từ 16-21 trường.
Với chỉ tiêu Thành phố giao đến năm 2025, tỷ lệ trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%, theo kế hoạch, số trường mầm non và phổ thông công lập đến hết năm 2025 là 2.400 trường, dự kiến tăng 168 trường so với năm 2021.
Theo kế hoạch, số trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2025 là 2.040 trường, dự kiến tăng 552 trường so với năm 2021. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2025 là 85% (2.040/2.400), năm 2021 là 79%. Đầu năm 2022 thực hiện xóa chuẩn đối với 279 trường chuẩn quốc gia quá hạn công nhận lại, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 66,7% (1.489/2.232).
Để đảm bảo giai đoạn 2022-2025 công nhận mới tăng thêm 432-552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2025, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khối công lập đạt từ 80-85%, UBND Thành phố đặt ra 8 nhiệm vụ và giải pháp.
Nhấn mạnh việc tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đó, đối với các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc đưa nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 của địa phương. Chỉ đạo các đơn vị huy động nguồn lực, bố trí đội ngũ thực hiện các nội dung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt nghị định của HĐND, UBND Thành phố về quy hoạch mạng lưới trường học Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng và cập nhật Quy hoạch mạng lưới trường học vào Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác được xác định như, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, và đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trường học. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch.
Tính đến hết tháng 6/2022, toàn Thành phố có 2.835 trường học với 70.199 lớp và hơn 2,2 triệu học sinh cùng 138.090 giáo viên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 64,3%, trong đó trường công lập là 79%. Hà Nội cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn.
Trong năm học 2022-2023, Sở GDĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực GDĐT được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022 (công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia).
Đối với công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn, Sở GDĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GDĐT nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia như: Cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay thế cho diện tích đất/ học sinh. Cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao…