• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tối nay, bão số 3 đổ bộ Thanh Hóa - Hà Tĩnh, cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 3

Thời sự 18/07/2018 14:05

(Tổ Quốc) -Dự báo, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta vào khoảng 19h tối nay, 18-7. Vùng nằm trong ảnh hưởng của bão Son Tinh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị,  khu vực các tỉnh gần tâm bão như Thanh Hóa, Bắc Nghệ An cấp 8, giật cấp 9-10.

Sáng 18/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3 do Bộ trưởng Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường chủ trì. Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan, Bộ ngành: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Cục trồng trọt), Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Tối nay, bão số 3 đổ bộ Thanh Hóa - Hà Tĩnh, cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 3.

Về diễn biến của bão số 3, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết: từ chiều nay, các tỉnh ven biển từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh cấp 6. Khu vực các tỉnh gần tâm bão như Thanh Hóa, Bắc Nghệ An cấp 8, giật cấp 9-10. Với tốc độ gió như vậy, dự báo sóng ngoài khơi cao từ 3-5m, ven bờ là 2-4m, sóng mạnh hơn chủ yếu tại các khu vực Bắc Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định.

“Điều đáng lo ngại là đúng thời điểm bão đổ bộ, thủy triều lại cao nhất trong ngày, nước dâng trong cơn bão này khoảng 0,5m là không đáng kể, nhưng tổng cộng thủy triều lên là 3,5m cộng với sóng cao 2-4m cần đặc biệt lưu ý”, ông Cường lưu ý.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu đảm bảo an toàn tối đa cho nhân dân vùng bão đi qua.

Để chủ động phòng chống bão số 3 hiệu quả, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra lại tàu bè của ngư dân, vùng trú bão, công tác cứu hộ….

Các địa phương tổng kiểm tra các khu vực du lịch ở đảo tránh những rủi ro không đáng có; các cơ quan liên quan phối hợp địa phương tổng kiểm tra các điểm nguy cơ sạt trượt đê biển, sạt trượt vùng núi.

Tại các tỉnh Bắc và Trung Bộ hiện có 51.934ha lúa bị ngập úng (Nam Định: 27.634ha; Ninh Bình: 5.870ha; Hòa Bình: 141ha; Thanh Hóa: 6.083ha; Nghệ An: 6.966ha; Hà Tĩnh: 5.240ha). Diện tích ngập úng đối với hoa màu là 4.966ha (Hòa Bình: 50 ha; Thanh Hóa: 896 ha; Nghệ An: 1.381 ha; Hà Tĩnh: 2.639 ha). Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng (Nam Định: 317 máy bơm; Thái Bình: 95 máy bơm; Ninh Bình: 283 máy bơm và 23 cống; Thanh Hóa: 103 máy bơm; Nghệ An: 2 trạm bơm).

Theo báo cáo của Ủy ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 6h00 ngày 18/7, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện/237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến nay vẫn còn 34 tàu thuyền và 94 lao động đang ở trong khu vực nguy hiểm.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 10 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ở cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; trong chiều tối và tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp khẩn ứng phó với bão số 3.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh. Từ chiều nay (18/7), trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần.

Từ trưa nay, ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam, hiện các hồ thủy điện lớn tại miền Bắc đều đang xả ra lớn hơn so với lưu lượng nước đổ về. Cụ thể, hồ Thủy điện Lai Châu đang nhận lưu lượng nước về khoảng 1.200m3/s , trong khi xả ra khoảng 1.500 m3/s; hồ thủy điện Sơn La nhận về khoảng 2.000 m3/s, xả 4.800 m3/s; hồ thủy điện Hòa Bình nhận vào khoảng 5.000 m3/s trong khi xả ra khoảng 7.000 m3/s. EVN cũng đề nghị đóng bớt cửa xả để giảm áp lực nước đổ về hạ du khi bão đổ bộ.

Trường Sa

NỔI BẬT TRANG CHỦ