Đây là sự kiện văn hóa - thương mại diễn ra thường niên nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, tôn vinh những người trồng sâm, thu hút đầu tư khai thác thế mạnh ngành công nghiệp dược liệu, thúc đẩy du lịch - thương mại - dịch vụ phát triển.
Gian trưng bày sản phẩm Sâm Ngọc Linh tại Lễ hội lần thứ 1 - Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
|
Lễ hội sâm là để quảng bá tiềm năng, kích thích mua để khuyến khích bà con, doanh nghiệp trồng sâm cũng như giúp người dân Việt Nam biết đến sâm Ngọc Linh, tham gia sử dụng bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh và chăm sóc sắc đẹp. Thông qua Lễ hội sẽ hình thành nét văn hóa sâm Ngọc Linh tiến đến thành lập ngày Sâm Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động hấp dẫn như: Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh; Hội chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi tỉnh Quảng Nam; Trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh, các loài dược liệu và văn hóa địa phương; Hội trại Tiếp bước truyền thống - xây dựng quê hương và đặc biệt là lễ Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập huyện.
Hiện nay, huyện Nam Trà My đã di thực sâm ra 7 xã thuộc huyện Nam Trà My. Tổng diện tích Sâm Ngọc Linh từ 100 héc-ta cách đây 5 năm nay tăng lên 1300 héc-ta. Với giá trị lớn về kinh tế và là dược liệu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Dự kiến có 6000 người tham gia Lễ hội Sâm Ngọc Linh và Hội chợ nông sản này. Tổng số tiền thu về từ hội chợ dự kiến 10 tỷ đồng.
Thủy Bích (t/h)