(Tổ Quốc) -Tâm thần là căn bệnh chưa bao giờ người mắc thấy vinh dự, tự hào hay muốn sở hữu đến mức phải bỏ tiền ra chạy chọt để được “giả”. Vậy nhưng thực tế lại khác xa, đã có hàng chục người mất công sức tiền của để được... điên!.
Trước thông tin Công an Hà Nội phát hiện một đường dây “chạy” bệnh án tâm thần. Đáng chú ý, trong đó có hàng chục đối tượng hình sự nguy hiểm đã làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an khiến không ít người bàng hoàng, lo sợ. Không phải tự nhiên mà có những người “Bỗng dưng muốn… điên!”.
Tâm thần, thần kinh hay “điên” như cách gọi thông thường của mọi người là một bệnh lý có thể mắc phải từ bẩm sinh hoặc phát sinh từ các lý do khách quan trong cuộc sống. Người bị bệnh tâm thần không chỉ là nỗi đau, sự thiệt thòi chính bản thân họ mà còn là nỗi đeo đẳng, ám ảnh, gánh nặng cho gia đình, xã hội nên rất cần sự thương cảm, giúp đỡ. Thế nên trong một chừng mực nào đó, những người tâm thần thường nhận được khoan dung của pháp luật nếu họ có phạm lỗi. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng tâm thần là căn bệnh chưa bao giờ người mắc thấy vinh dự, tự hào hay muốn sở hữu đến mức phải bỏ tiền ra chạy chọt để được “giả điên”.
Ảnh minh họa/anninhthudo.vn |
Ấy thế mà trong hoàn cảnh có thể có lợi cho bản thân, những kẻ xảo trá, mưu mô… lại chấp nhận đánh đổi sự thông minh, khỏe mạnh của một người bình thường để “chạy”, để được trở thành… tâm thần!.
Cuộc sống đôi khi có những sự ngược đời mà có lẽ chỉ lý giải được bằng sự lọc lõi của con người độc ác, vô cảm và sự hèn hạ để được “đứng chung hàng” với kẻ điên, dùng mọi thủ đoạn để tranh cướp cả sự trợ giúp, thương cảm, nương tay...
Đáng chú ý, trong số những kẻ “giả điên” thì hơn nửa số họ là đối tượng “cộm cán” nên vô cùng nguy hiểm. Nếu năm xưa cô Xúy Vân giả dại để hòng có cớ bỏ chồng đi theo người tình. Chẳng ngờ người tình thuộc họ “sở khanh” nên cuối cùng cô nhận cái kết đắng, trắng tay và… điên thật thì cũng chỉ do cô chịu hậu quả. Còn ở đây, chỉ cần một kẻ tội phạm “giả điên”, chạy được bệnh án tâm thần trong tay thì không cẩn thận bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân dưới bàn tay của thứ “người giả” này. Xã hội sẽ hỗn loạn, mất niềm tin, không biết đâu là trắng – đen nếu ai đó giả điên mà bất chấp, coi thường pháp luật và không phải lo sự trả giá. Bởi bệnh án tâm thần là lá bùa hộ mệnh, là tấm bình phong hữu hiệu để “những hành động thật”, “ những hậu quả thật” của kẻ giả điên tác oai tác quái.
Tuy nhiên, đằng sau việc lên án những kẻ “giả điên” thì cũng cần xử lý nghiêm người tiếp tay cho sự giả dối đầy nguy hiểm này. Bởi đây mới là mấu chốt cho sự giả dối đáng sợ này tiến triển và đi xa. Vì khi kẻ phạm tội bị dẫn đến bước đường cùng cộng với việc trong tay có tiền thì sẽ luôn tìm đủ mọi cách nhằm thoát tội - kể cả biến mình thành kẻ điên. Nếu cán bộ, nhân viên bệnh viên tâm thần– những người tiếp tay cho sự gian trá này trước khi ký vào bệnh án giả để nhận những đồng tiền nhơ bẩn hiểu được tác hại mà kiên quyết không thỏa hiệp thì mọi chuyện sẽ dừng lại. Những người ký vào bệnh án giả điên này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để tội phạm lộng hành, trốn tránh việc bị xử lý, gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử, gây nguy hại cho xã hội, bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy, nếu không xử lý nghiêm, đủ sức răn đe thì e rằng đây sẽ là một loại bệnh bùng phát trong tương lai của những kẻ vi phạm pháp luật mà y học cũng bó tay.
Một người bị tâm thần, nếu có 85 triệu đồng mang đi chữa bệnh chưa chắc đã khỏi, nhưng nếu một người bình thường thì cũng chỉ số tiền đó là thành… điên hợp pháp. Thế mới thấy sức mạnh của đồng tiền trong tay những kẻ tội phạm, bất minh, có thể biến hóa khôn lường, thậm chí còn có thể biến ai đó khoác trên mình chiếc áo chữa bệnh, cứu người vốn được xã hội trọng dụng thành kẻ tội đồ, tiếp tay cho cái ác.