(Tổ Quốc) - Cục An toàn thông tin cho biết, tội phạm lừa đảo trực tuyến đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính: Giả mạo thương hiệu: chiếm 72.6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính,…); Chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo,..): chiếm 11.4% và Các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay,..): chiếm 16%.
Theo ông Trần Đăng Khoa, mục tiêu cuối cùng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
Ông Trần Đăng Khoa cho biết, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo (tại địa chỉ chongthurac.vn); Phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn để gặp phải về an toàn thông tin. Cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo (tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn).
Bộ cũng công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng (tại địa chỉ tinnhiemmang.vn). Kiểm tra, gán nhãn tín nhiệm cho hơn 3252 website chính thống. Triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp, hoạt đông như Công ty TNHH Cốc Cốc đã triển khai chiến dịch khiên xanh để người dùng trình duyệt phản ánh, báo cáo; Ngân hàng, chứng khoán, ví điện tử, các tổ chức tài chính triển khai các thông báo cho khách hàng qua Email, SMS. Liên tục thông báo các nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan tới tổ chức cho cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet: Thực hiện nghiêm túc, triệt để các yêu cầu ngăn chặn, xử lý các trang lừa đảo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ chức xã hội Chống lừa đảo với cộng đồng lớn và tích hợp được nhiều nền tảng như trình duyệt, mạng xã hội.
Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho rằng, các giải pháp đã triển khai đều phát huy giá trị tích cực, tuy nhiên chưa được đồng bộ và thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương. Để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo trên đời thực, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Trong đó nòng cốt chính là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao.