(Tổ Quốc)- Trong dịp Lễ hội Đền Hùng 2016 sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá di sản Hát xoan tới người dân.
(Tổ Quốc)- Tại Lễ hội Đền Hùng 2016 sẽ diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá di sản Hát Xoan, nhằm đưa nét đẹp văn hóa vùng đất Tổ đến gần hơn với người dân.
Lễ hội đền Hùng là dịp đưa hát xoan đến gần hơn với người dân và du khách (Ảnh: Cinet)
Trong những ngày diễn ra lễ hội, tại sân trung tâm lễ hội sẽ diễn ra các buổi biểu diễn hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì cũng sẽ diễn ra Liên hoan hát Xoan thanh thiếu nhi Thành phố Việt Trì lần thứ III - 2016. Không chỉ thể hiện những điệu Xoan mới, đã được nhiều người biết đến, Liên hoan hát Xoan còn có những tiết mục Xoan cổ truyền thống.
Tại các làng Xoan cổ ở xã Kim Đức, Hùng Lô sẽ diễn ra chương trình “Hát Xoan cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa. Các tiết mục hát Xoan do những nghệ nhân kế cận biểu diễn. Bên cạnh đó, cuộc triển lãm lãm trưng bày các hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng sẽ được tổ chức tại các bảo tàng ở Thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử đền Hùng.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ đã có kế hoạch phối hợp với các công ty du lịch xây dựng các tour du lịch “Hành trình về cội nguồn”, “Khám phá di sản văn hóa vùng đất Tổ,” đưa du khách đến với những điểm gắn với sự tích Vua Hùng, những di tích lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết những hoạt động này nhằm giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản hát Xoan đến đồng bào cả nước để người dân hiểu thêm về văn hóa trên quê hương đất Tổ Vua Hùng.
Hát Xoan còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình, gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc hát Xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.
Năm 2011, Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã công nhận hát xoan là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, giờ đây hát Xoan đã thực sự hồi sinh và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Tại tỉnh Phú Thọ hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ”. Tổng số người tham gia thực hành hát Xoan ở cả 4 phường và 23 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh là 1.148 người, chưa kể có hàng trăm người tham gia không thường xuyên khác, tăng khoảng hơn 20 lần so với năm 2010.
Từ năm 2012 đến 2015 đã có 51 người được Nhà nước xét phong tặng Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ.
Ngày 21/3 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ quốc gia “Hát Xoan Phú Thọ” trình UNESCO. Ngay sau đó, hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) gửi đến UNESCO đề nghị xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
T.Dung