(Tổ Quốc) - Sáng 23/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV của Đảng chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban.
Cùng dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư – Trưởng Ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và các đồng chí Thường trực Tiểu ban, thường trực Tổ biên tập.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới
Phát biểu tại phiên họp, nhắc lại một số kết quả của nửa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nổi bật trên các lĩnh vực.
Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương 3, 4, 5, 6, 7, 8 với phương châm "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", chúng ta đã quán triệt sâu sắc, cụ thể hoá, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả; tập trung vào 12 định hướng phát triển đất nước, 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm với quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững đất nước, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá, con người là nền tảng; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu thường xuyên.
Theo Tổng Bí thư, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc mang dấu ấn đặc biệt: Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức rất thành công đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Quốc hội, Chính phủ khóa XV và của các khối như: Nội chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,... được tổ chức rất đồng bộ, bài bản và thành công ngay từ đầu nhiệm kỳ đã sớm định hướng rõ ràng, đúng đắn cho việc tiếp tục đổi mới, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn, trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta...
Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc về công tác đối ngoại với việc đề ra đường lối đối ngoại hiện đại, toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đã góp phần tạo ra những điểm sáng ngoại giao mang tính lịch sử trong nhiệm kỳ này, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Báo cáo chính trị của Đại hội XIV là công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
Cũng theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là một sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng, sẽ là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; từ đó tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng một nước Việt Nam "giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư cho biết thêm, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV dự kiến tổ chức vào tháng 1/2026, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mới đây đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện.
Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội XIV của Đảng. Để giúp việc cho Tiểu ban Văn kiện, Ban Bí thư cũng đã quyết định thành lập Tổ Biên tập Văn kiện, đến nay, Thường trực Tiểu ban đã thảo luận, cho ý kiến, cơ bản nhất trí với nội dung Quy chế, Chương trình, Kế hoạch hoạt động và sự phân công công việc của Tổ Biên tập...
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần này phải là một công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn.
"Văn kiện Đại hội, trong đó có Báo cáo chính trị của Đại hội XIV là sản phẩm của trí tuệ tập thể, là một công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho nên chúng ta phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và theo đó phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đặc biệt, phải chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế, chắt lọc kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045,… nhằm cung cấp một cách có hệ thống các luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và trực tiếp phục vụ việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Phải tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu. Chỉ rõ những mục tiêu, quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp nào đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, cần phân tích thật thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu thế phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số trọng tâm, nhiệm vụ, nội dung giải pháp ứng phó cho phù hợp với tình hình mới.
Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, Tổng Bí thư yêu cầu cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, cùng tìm ra chân lý, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó. Cần lưu ý Báo cáo chính trị phải là báo cáo trung tâm, phải đặt ở tầm quan điểm, đường lối, chủ trương lớn; báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề, bảo đảm không trùng lặp; nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, góp phần tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.