• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vào cấp uỷ không phải để thăng tiến cho oai, để vinh thân phì gia, mà là để cống hiến

Thời sự 03/01/2020 08:50

(Tổ Quốc) - Tết đến Xuân về đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng. Trong không khí vui mừng phấn khởi của những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn, chia sẻ những cảm xúc, suy ngẫm về những công việc mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang nỗ lực phấn đấu.

Trong không khí phấn khởi, tự hào, cảm xúc đón mùa Xuân mới cũng là dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, xin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thể chia sẻ đôi điều suy ngẫm với bạn đọc?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam; đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vào cấp uỷ không phải để thăng tiến cho oai, để vinh thân phì gia, mà là để cống hiến - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Chín mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế - văn hóa phát triển, chính trị - xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay.

Từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Tuy vậy, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Trong công cuộc phát triển đất nước, nhiều vấn đề mới phát sinh phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết; tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, không được say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Để chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, xây dựng Đảng xứng đáng "là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", dẫn dắt công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, Đảng ta ra sức đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng, tính tiên phong của Đảng.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hội nhập, hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với hàng và tiền, đối mặt với bao cám dỗ, với mặt trái của cơ chế thị trường, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tuỵ, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vào cấp uỷ không phải để thăng tiến cho oai, để vinh thân phì gia, mà là để cống hiến - Ảnh 2.

Bước vào năm 2020 cần chủ động, tích cực hơn, tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng

Một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2020 là tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đông đảo quần chúng nhân dân đang trông đợi và kỳ vọng sẽ có những đột phá mới trong đường hướng phát triển đất nước nhiệm kỳ tới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thể chia sẻ về vấn đề này?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng "Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa".

Việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Đại hội XIII của Đảng sẽ tập trung đánh giá nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đồng thời xác định phương hướng nhiệm kỳ 2021 - 2026, tầm nhìn tới năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (100 năm thành lập nước).

Bởi vậy, công tác chuẩn bị Đại hội phải được tiến hành một cách bài bản, kỹ lưỡng, cả về văn kiện và nhân sự, trong đó công tác xây dựng văn kiện, mà báo cáo chính trị là trung tâm, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, phải kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng và định hướng phát triển của mỗi địa phương và cả nước.

Việc tổng kết, đánh giá phải trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, toàn diện, nhận rõ những thành tựu, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

Trong tổng kết, đánh giá, cần đúc rút những mô hình mới, cách làm hay, có giá trị thực tiễn; khích lệ khát vọng vươn lên, khuyến khích tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, phục vụ phát triển bền vững; đồng thời phân tích thấu đáo những vấn đề thực tiễn đang nổi lên như việc chưa bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng con người, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; việc thực hiện các chính sách đất đai, bảo đảm an toàn giao thông, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Hay việc chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội...

Việc xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới phải bám sát các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng và tình hình thực tế của địa phương, đặt trong tổng thể của vùng, liên vùng và cả nước; đồng thời, làm tốt công tác dự báo, nắm bắt thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Muốn vậy, phải phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; trân trọng tiếp thu những ý kiến xác đáng, trách nhiệm của cán bộ lão thành, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân.

Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà phải phân tích đánh giá tình hình hiện nay và sắp tới, dự báo đến năm 2030, năm 2045 địa phương ta, đất nước ta sẽ là như thế nào? Cứ nói thành phố thông minh, thành phố xanh, vậy nội hàm cụ thể là gì? Hoặc nước ta đến năm 2030 sẽ là nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là gì? Từ năm 2001, chúng ta đã xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã  cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa? Cho nên phải hiểu biết rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, cả trong nước và quốc tế. Văn kiện là định hướng chính trị để làm chứ không phải chỉ để nói. Phải làm sao để sau này khi Đại hội công bố ra, nhân dân thấy phấn khởi, tin tưởng vào đường lối của Đảng.

Tư tưởng chỉ đạo là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên định và đổi mới; đổi mới nhưng vẫn kiên định mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kế thừa và phát triển, giữa lý luận và thực tiễn, tiếp tục từng bước hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cần quán triệt tinh thần: Dứt khoát phải đổi mới, song đổi mới mà không xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không chệch hướng, đổi màu; chủ động và tích cực hội nhập mà vẫn giữ vững bản sắc của dân tộc.

Công tác nhân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ quyết định thành công của đại hội, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của từng địa phương, đơn vị và cả nước trong suốt nhiệm kỳ. Để làm tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng, cần lưu ý những vấn đề gì, thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đúng vậy, vấn đề mà Đảng và nhân dân đang rất quan tâm bây giờ chính là công tác nhân sự. Làm sao hạn chế được tiêu cực, phát huy đoàn kết thống nhất, chọn được những người thật xứng đáng, chuẩn bị nhân sự không chỉ cho Trung ương, mà còn ở tất cả các ngành, các cấp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi việc", "muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, Đảng ta đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế về công tác cán bộ. Đây là cơ sở cho các cấp uỷ Đảng quan tâm đầu tư lâu dài, bài bản cho công tác cán bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, đồng thời chuẩn bị thật tốt nhân sự cho đại hội đảng bộ sắp tới, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến đánh giá, sử dụng cán bộ...

Trong đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch cấp uỷ, bảo đảm nguồn cán bộ có đủ năng lực, trình độ, tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, điều hành, quản lý và xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra; chú trọng những nhân tố mới, có đức, có tài, có uy tín, triển vọng; xử lý hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa việc nâng cao chất lượng cấp uỷ với bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số...

Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc. Nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ. Kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính... Vào cấp uỷ không phải để thăng tiến cho oai, cho sang, để vinh thân phì gia, mà là để cống hiến, hy sinh, vì dân, vì nước.

Kính thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vừa qua, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xử lý, với mức án nghiêm minh, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng có tiến triển, cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến chống tham nhũng. Mặc dù vậy, vẫn còn dư luận lo lắng, liệu quyết tâm chính trị đó có tiếp tục được nuôi dưỡng lâu dài, để "lò" luôn nóng, quét sạch tham nhũng, làm trong sạch bộ máy?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Những năm tới, sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước chuyển sang giai đoạn mới, ngày càng đi vào chiều sâu; nhân dân đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng phải tiếp tục quyết liệt, duy trì xu thế như hiện nay. Vì vậy, phải vừa xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng để triển khai thực hiện; vừa xem xét, xử lý nghiêm những vụ việc đang làm, vừa kịp thời phát hiện những vụ việc mới, chú ý các khâu như thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại, bảo đảm thi hành án, xử lý nghiêm hành vi tư lợi, chiếm đoạt, kể cả những hành vi "tham nhũng vặt"...

Thời gian qua, không chỉ kiên quyết xử lý các vụ tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, việc rà soát, khắc phục các kẽ hở trong công tác cán bộ cũng được Đảng ta thực hiện bài bản, chặt chẽ. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; phân cấp quản lý cán bộ, giới thiệu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành, đưa vào thực hiện nhiều văn bản pháp luật để hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng, "lợi ích nhóm", giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện... tạo nền móng căn bản và động lực mạnh mẽ để phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Nhìn lại bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng trong năm qua, có thể thấy phòng, chống tham nhũng không chỉ là yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn là và chính là điều kiện để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chống tham nhũng và xây dựng, hoàn thiện thể chế cần song hành, là hai đường ray để kinh tế Việt Nam tiếp tục cất cánh.

Tôi đã nhiều lần nói, phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến đấu lâu dài, phức tạp, cần kiên trì, kiên quyết, quyết tâm cao. Cùng với hoàn thiện thể chế, chính sách, chúng ta cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực như quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hoá, thoái vốn trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp...

Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", phòng, chống "tham nhũng vặt" ở địa phương, cơ sở, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chú ý phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng; kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, thoái hoá, biến chất; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự liêm chính, trong sạch, có đủ dũng khí đấu tranh bảo vệ cái đúng, loại bỏ cái sai...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vào cấp uỷ không phải để thăng tiến cho oai, để vinh thân phì gia, mà là để cống hiến - Ảnh 3.

Một mùa xuân mới đang về mang theo khát vọng, niềm tin và khí thế mới

Một mùa xuân mới đang về mang theo khát vọng, niềm tin và khí thế mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thông điệp gì gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như bạn bè quốc tế?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Bước vào năm 2020, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đối với việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, chúng ta cần chủ động, tích cực hơn, tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quốc gia quan trọng và các công trình trọng điểm; phát huy tốt vai trò của các vùng kinh tế, các đô thị lớn, thị trường trong nước và các ngành dịch vụ, du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững thực chất hơn; chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tôi mong đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng, trí tuệ và nhiệt huyết, chung sức đồng lòng vững bước trên con đường đổi mới, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, phát triển cường thịnh. Tôi cũng chân thành mong muốn bạn bè quốc tế tiếp tục hợp tác, giúp đỡ, luôn đồng hành, ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hoà bình, tiến bộ, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.

Nhân dịp năm mới 2020 và đón Tết cổ truyền dân tộc Canh Tý, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Tôi cũng xin gửi tới bạn bè năm châu lời chúc hoà bình, hữu nghị, phồn vinh và hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Kính chúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và gia đình Năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

Theo TTXVN

NỔI BẬT TRANG CHỦ