• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao Việt Nam

Thời sự 13/08/2018 12:55

(Tổ Quốc) -Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" đã diễn ra vào sáng ngày 13/8.

Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" đã diễn ra vào sáng ngày 13/8 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội).

Đến tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cùng Lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh và khó lường, trong khi đất nước đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập sâu rộng. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Ngoại giao phải tiếp tục nỗ lực, tận tâm, liên tục thích ứng; chủ động, sáng tạo trong tư duy, hiện đại trong cách làm, chú trọng tính hiệu quả để triển khai thắng lợi các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc hội nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định, thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới đã mang lại những thuận lợi rất căn bản để chúng ta xây dựng một nền Ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại; nghiên cứu bổ sung và phát triển một số nội hàm mang tính chiến lược mới về đối ngoại hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII cho phù hợp với tầm vóc, thúc đẩy hơn nữa thế và lực của đất nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điểm lại tình hình thế giới và khu vực kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mới, phức tạp và khó lường hơn. 10 năm sau khủng hoảng toàn cầu 2007-2008, kinh tế thế giới đã phục hồi và bước vào giai đoạn tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Thương mại toàn cầu tăng 4,6%, cao nhất trong 7 năm qua. Sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo tác động bước đầu nhưng sâu rộng đến kinh tế thế giới, làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và quản trị cả ở tầm quốc gia và quốc tế, làm bùng nổ quá trình ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tạo thêm động lực cho toàn cầu hóa thông qua lưu chuyển thương mại, dòng người, dòng vốn và thông tin. Về an ninh-chính trị, chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ thương mại và chính trị cường quyền nước lớn đang gia tăng; một số điểm nóng ở các khu vực diễn biến phức tạp hơn; tương quan lực lượng giữa các nước thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, song mặt hợp tác cũng gia tăng hơn trước.

Các đại biểu lắng nghe Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điểm lại tình hình thế giới và khu vực.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đã có những bài tham luận về sự phối hợp với Bộ Ngoại giao trong công tác nắm bắt tình hình thế giới, quan hệ với các nước đối tác, láng giềng, nhận rõ thách thức, xác định rõ đối tác đối tượng, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao trong thời gian tới, bao gồm: (1) Đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam; (2) Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tư chủ; (3) Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương; (4) Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại và an ninh - quốc phòng, đưa quan hệ các nước láng giềng và nước lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả; (5) Tiếp tục triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế; (6) Coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; (7) Nâng cao hiệu quả phối giữa Bộ, ban, ngành, địa phương; nhất là Bộ Ngoại giao và quốc phòng, an ninh trong công tác đối ngoại; (8) Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, bao gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ