• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình

Thời sự 23/06/2022 15:58

(Tổ Quốc) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục.

Ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng - Ảnh: TTXVN

Cử tri bất bình hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tại hội nghị, cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng đánh giá cao kết quả của chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và ghi nhận sự nỗ lực cố gắng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cụ thể trong điều hành để phục hồi và phát triển nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, khắc phục các hạn chế mà Quốc hội đã chỉ ra; nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát và xử lý các trường hợp lợi dụng xăng dầu tăng giá để tăng giá hàng hóa bất hợp lý; giữ được ổn định cuộc sống cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là người lao động trực tiếp.

Đặc biệt, các cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng bày tỏ trân trọng, tin tưởng và đánh giá cao vai trò của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực. Nhiều vụ việc lớn được xử lý như Việt Á, vụ thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản…Nhân dân rất đồng tình.

Nêu ý kiến, cử tri Phạm Thị Hồng Sim (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) cho rằng, việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một việc làm kịp thời, khắc phục tình trạng đẩy trách nhiệm lên Trung ương.

Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình - Ảnh 2.

Cử tri phường Quán Thánh, quận Ba Đình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: KTĐT

Để phát huy được hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri cho rằng cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc phù hợp, để Ban Chỉ đạo tại địa phương đủ mạnh, có thực quyền, trở thành "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Cử tri Nguyễn Trần Quyên (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân. Cử tri đề nghị, bên cạnh việc đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện công, các cơ quan chức năng cần tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.

Cử tri Nguyễn Duy Nhiên (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho rằng ngành y tế vừa qua có một số cá nhân sai phạm, bị xử lý, đa phần là cán bộ quản lý. Song không thể phủ nhận công lao to lớn của hàng vạn cán bộ nhân viên y tế trong sạch, tận tâm tận lực chịu đựng gian khổ, hy sinh cùng với các lực lượng khác để ngăn chặn đại dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, một số cử tri quận Đống Đa còn băn khoăn, lo lắng về chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài; còn có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường; giá sách hiện nay cũng chưa phù hợp, một bộ sách giáo khoa chỉ 1 học sinh dùng xong là bỏ, gây lãng phí và tốn kém cho nhiều gia đình, nhất là trẻ em ở khu vực nông thôn, miền núi.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến sâu sắc, đề cập nhiều vấn đề, ngắn gọn, thiết thực, xác đáng, thể hiện trách nhiệm của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Liên quan kết quả kỳ họp thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo như: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Sau kỳ họp, Quốc hội đã để lại dư âm, dư luận tốt.

Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Trao đổi với cử tri nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quy trình xử lý hai cán bộ lãnh đạo là nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Bộ Chính trị đã thảo luận rất kỹ và 100% đã bỏ phiếu yêu cầu kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng. Ngày hôm sau triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường, Ban chấp hành Trung ương họp, thảo luận và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị. Ban chấp hành Trung ương cũng bỏ phiếu gần như tuyệt đối hoàn toàn đồng ý về việc khai trừ ra khỏi Đảng. Ngay sáng hôm sau họp Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế".

"Sau khi mất chức ủy viên Trung ương, mất chức Bộ trưởng, ngay chiều hôm ấy, cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra. Chúng ta phòng chống tham nhũng làm rất bài bản như thế. Hiện nay đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Các bước thực hiện đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật, để người vi phạm cũng nhận ra sai sót, khuyết điểm. Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm.

Trao đổi với cử tri về ý kiến cho rằng "kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan trọng là phải chọn đúng cán bộ, phải làm thật chính xác, không được vội vàng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hiện nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sắp tới, Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chính là bồi dưỡng cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, làm theo cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm ở đâu cũng "đúng vai, thuộc bài", hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiến bộ hơn để cán bộ "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", "không cần tham nhũng" và "không muốn tham nhũng".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người./.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ