(Tổ Quốc) - Chương trình sẽ được triển khai xuyên suốt 63 tỉnh, thành phố bắt đầu từ ngày 05/6/2021 khi vào chính vụ vải Bắc Giang cho đến kết thúc vụ với tổng sản lượng cam kết tiêu thụ khoảng 3.000 tấn.
Phối hợp VNPost để triển khai chương trình
Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, Tổng cục QLTT sẽ phối hợp với VNPost triển khai Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang theo 02 hình thức chính:
Thứ nhất, bán hàng trực tiếp: thông qua mạng lưới vận tải, VNPost phối hợp với Cục QLTT Bắc Giang để đảm bảo nguồn cung vải thiều chất lượng, an toàn phòng dịch và lo toàn bộ khâu vận chuyển đến 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. VNPost sẽ cung cấp danh sách lái xe, phương tiện vận tải (container lạnh) đến Tổng cục và các Cục tại 63 tỉnh/thành phố để lực lượng QLTT tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông.
Với phương án này, Tổng cục yêu cầu, các bưu cục thuộc VNPost thuê kho bảo quản lạnh tại 63 tỉnh và phối hợp với các cục QLTT các địa phương phân phối tới các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh... Đặc biệt, các Đội QLTT sẽ tổ chức các điểm bán hàng lưu động đến khu vực xa trung tâm đô thị hoặc gần khu vực dân cư, khu công nghiệp để bán hàng trực tiếp. Các địa bàn trọng điểm được giao tiêu thụ số lượng lớn là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…
Thứ hai, bán hàng trực tuyến. Đối với hình thức này Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, sẽ bán hàng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử www.postmart.vn của VNPost, vải thiều Bắc Giang sẽ bán online cho từng cá nhân đặt hàng. Bên cạnh đó, VNPost sẽ gửi tin nhắn đến 60 triệu thuê bao điện thoại di động trên cả nước để giới thiệu Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều của Tổng cục QLTT.
"Chương trình sẽ được triển khai xuyên suốt 63 tỉnh, thành phố bắt đầu từ ngày 05/6/2021 khi bắt đầu vào chính vụ vải Bắc Giang đến hết vụ vải với tổng sản lượng cam kết tiêu thụ khoảng 3.000 tấn" Tổng Cục trưởng thông tin.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con - nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng
Ngay sau khi được Bộ trưởng giao nhiệm vụ tại Chỉ thị 08, Tổng cục QLTT đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ cùng toàn lực lượng quán triệt nhiều nội dung. Ngay sau đó, ngày 28/5, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch của lực lượng triển khai Chỉ thị số 08. Trong kế hoạch, Tổng cục đã giao nhiệm vụ cho các Cục QLTT tỉnh phối hợp với các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tạo điều kiện, khuyến khích, yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng… tăng điểm bán hàng, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại địa bàn, ưu tiên các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang, hành tím…
Tại các điểm, chốt phòng dịch trên địa bàn, lực lượng lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng tạo điều kiện để phương tiện vận tải lưu thông hàng hóa nông sản tới điểm bán, kho lạnh để bảo quản.
Tổng Cục trưởng cũng giao Thủ trưởng các Cục là đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin 24/7 hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực hiện thu thập thông tin về sản lượng tiêu thụ trên địa bàn để xác định nhu cầu, sản lượng cần thiết cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc của phương tiện vận chuyện tại các điểm, chốt phòng dịch.
Trước đó, Cục QLTT Hòa Bình đã phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu mua 2,5 tấn vải thiều Bắc Giang, đưa về Hòa Bình tiêu thụ thông qua các điểm bán hàng lưu động. Chương trình thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của nhân dân trên địa bàn Hòa Bình. Tiếp theo đó, tại các địa phương khác như Thái Nguyên, Thái Bình, Tiền Giang, các chương trình xúc tiến tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân cũng được Cục QLTT tỉnh chủ trì, triển khai mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
THÔNG TIN SẢN LƯỢNG VẢI THIỀU TẠI BẮC GIANG
- Sản lượng toàn tỉnh là 180.000 tấn
- Vải đầu vụ là 45.000 tấn
- Vải chính vụ là 135.000 tấn.
- Từ đầu vụ đến ngày 31/5/2021, tỉnh Bắc Giang tiêu thụ: 16.478 tấn
Giá:
- Giá bình quân giao động 22-32.000 đồng/kg.
- Giá thấp nhất 12.000 đồng/kg
- Giá cao nhất 55.000 đồng/kg,
Xuất khẩu:
- Xuất khẩu sang Trung Quốc: 5.056 tấn.
- Xuất khẩu sang Nhật Bản: 40 tấn.
- Xuất khẩu sang Mỹ: 05 tấn.