• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng cục Quản lý thị trường: Tăng cường, kiểm tra, giám sát, bình ổn thị trường phân bón

Kinh tế 12/08/2021 14:14

(Tổ Quốc) - Giá phân bón tăng cao làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng, hay việc đầu cơ tích trữ, tăng giá kiếm lời. Để bình ổn thị trường phân bón cũng như giữ ổn định giá phân bón ở thị trường trong nước, ngày 28/7 vừa qua, Tổng cục QLTT đã có công văn số 1634/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón.

Phát sinh nhiều hành vi vi phạm

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng trung bình 50 - 73%. Cụ thể, giá phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).

Với phân bón nhập khẩu, SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).

Lý giải nguyên nhân giá phân bón tăng, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng chủ yếu do các giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và giá cước phí vận chuyển tăng. Với mặt hàng DAP và MAP, nguồn cung hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt, sản xuất trong nước đối trọng với nhập khẩu khiến mức tăng giá trong nước thấp hơn nhiều so với mức tăng giá của hàng nhập khẩu. Đây là giải pháp kìm hãm mức tăng giá của mặt hàng DAP, MAP nói riêng và phân bón nói chung.

Mặc dù, ngành phân bón đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng thực tế cho thấy thị trường phân bón hiện nay cũng thật - giả lẫn lộn. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, lậu vẫn "tung hoành" trên thị trường khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón lao đao, vừa đối phó với nạn hàng giả, hàng lậu, vừa phải nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Thanh Bình nhận định, giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động nông nghiệp và làm gia tăng các hoạt động gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; phát sinh những hiện tượng đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý… nhằm thu lời bất chính đối với mặt hàng phân bón.

Điển hình, mới đây, ngày 2/8/2021, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Võ Văn An (Cửa hàng phân bón Tám Tỷ - địa chỉ Khu phố Lộc Khê, Phường Gia Lộc, Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) với số tiền phạt gần 400 triệu đồng, hàng hóa vi phạm là 25 tấn phân bón rễ NPK bổ sung trung vi lượng SITTO PHAT. Trước đó, ngày 4/6/2021, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh kiểm tra Hộ kinh doanh Võ Văn An đồng thời lấy 2 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm tra cho thấy, 2 mẫu phân bón này có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và qua làm việc ông Võ Văn An đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Đặc biệt, cuối tháng 4/2021, QLTT Gia Lai phát hiện gần 10 tấn phân bón nhập khẩu không ghi nơi sản xuất. Tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh phân bón Diệu Hường (thôn 4, xã An Phú, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này bày bán 2 lô phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, ông Đinh Xuân Diệu chủ cơ sở đã cung cấp hóa đơn GTGT để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng đã xác định 2 lô phân bón nêu trên có sai phạm quy định về nhãn hàng hóa, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết tại cửa hàng là hơn 150 triệu đồng.

Đáng chú ý, tháng 10/2020, Tổng cục QLTT phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) phát hiện hàng chục tấn phân bón các loại cùng nhiều nguyên vật liệu (bao bì, máy móc, bột màu, đá…) dùng để sản xuất ...phân bón.

Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Trọng Dần - Chủ chi nhánh Công ty chỉ xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đóng gói phân bón. Còn lại, các loại giấy tờ khác như giấy phép sản xuất phân bón, quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và các hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa chủ cơ sở không xuất trình được.

Tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích, lực lượng chức năng ghi nhận, nhiều chủng loại phân bón thu giữ tại Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino không đạt chỉ tiêu chất lượng, là hàng giả và không có giá trị sử dụng. Ngày 4/3/2021, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là phân bón xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino tại Đồng Nai.

Tổng cục Quản lý thị trường: Tăng cường, kiểm tra, giám sát, bình ổn thị trường phân bón - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sản xuất phân bón giả tại Đồng Nai

Những vụ việc nêu trên là một trong rất nhiều vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón được lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, phanh phui, thu giữ trong thời gian vừa qua.

Tăng cường, kiểm tra, giám sát, bình ổn thị trường phân bón

Trước thực trạng này, để bình ổn thị trường phân bón cũng như giữ ổn định giá phân bón ở thị trường trong nước, ngày 28/7 vừa qua, Tổng cục QLTT đã có công văn số 1634/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón.

Trong công văn, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón.

Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021. Đối trượng kiểm tra là các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón. Nội dung kiểm tra là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh; hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa; nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; chất lượng của hàng hóa; việc thực hiện quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng đề nghị, Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi sát các biến động đối với mặt hàng phân bón, thường xuyên giám sát thị trường phân bón để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý.

Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo, Cục Nghiệp vụ QLTT chủ trì, phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón quy mô lớn hoặc phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khi được yêu cầu.

Đáng chú ý, trước đó, nhằm tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Tổng cục QLTT đã ký kết quy chế phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Quy chế phối hợp quy định, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường...

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, quy chế phối hợp nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của lãnh đạo hai bên đối với công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, quy chế này sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin và tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, thậm chí làm giả, nhái thương hiệu đã được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để bình ổn thị trường phân bón trong nước, ngày 10/8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Công Thương lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại các tỉnh phía Nam.

Theo đó, ngành Nông nghiệp đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh phía Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu, các Cục QLTT phía Nam phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo quy định của Nhà nước.

Quyên Lưu

NỔI BẬT TRANG CHỦ