(Tổ Quốc) - Chiều ngày 5/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Triển khai công tác năm 2023 của Tổng cục Thể dục Thể thao.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cùng lãnh đạo các Tổng cục TDTT, lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc…
Báo cáo tại Hội nghị, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, năm 2022 là năm toàn ngành TDTT tập trung nguồn lực để tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Việt Nam và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.
Để chuẩn bị cho hai mục tiêu quan trọng trên cũng như các giải đấu trong nước, quốc tế khác, Tổng cục TDTT đã tập trung chuẩn bị lực lượng, duy trì công tác tập huấn đối với các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia, năm 2022 đã triệu tập 2.590 lượt vận động viên, 540 lượt huấn luyện viên, 28 chuyên gia (trong đó đội tuyển trẻ quốc gia gồm 1.090 lượt vận động viên, 247 huấn luyện viên) tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức 126 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam, 28 lớp tập huấn cho huấn luyện viên, trọng tài thể thao quốc gia.
Kết quả thi đấu quốc tế năm 2022, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 1.204 huy chương quốc tế, trong đó 477 huy chương vàng, 351 huy chương bạc, 376 huy chương đồng (53 huy chương vàng, 44 huy chương bạc, 83 huy chương đồng thế giới; 106 huy chương vàng, 95 huy chương bạc, 90 huy chương đồng châu Á; 303 huy chương vàng, 207 huy chương bạc, 194 huy chương đồng Đông Nam Á; 15 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 09 huy chương đồng các giải quốc tế khác).
Đặc biệt, Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, xếp thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games 31, với số huy chương vượt trội (446 huy chương, trong đó có 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ), phá 21/41 kỷ lục tại Đại hội, bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ; đội tuyển Bóng đá nữ giành quyền tham dự World Cup nữ 2023.
Tiếp nối thành công của SEA Games 31, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX đã được tổ chức thành công. Đại hội tiến hành 933 nội dung thi đấu thuộc 43 môn thể thao, với sự tham gia của 9.654 VĐV (5.715 VĐV nam, 3.939 VĐV nữ) thuộc 65 đoàn thể thao (63 tỉnh, thành và 2 ngành: Quân đội, Công an); 2.109 HLV; 815 cán bộ, lãnh đội. Tổng số thành viên tham gia Ban Tổ chức các môn: 570 người. Tổng số trọng tài tham gia làm nhiệm vụ tại Đại hội là 2.503 người (632 nữ). Tổng số nhân viên phục vụ là 1.457 người.
Theo thống kê, đã có tổng cộng 53 kỷ lục quốc gia và 96 kỷ lục Đại hội được xác lập. Xếp hạng chung cuộc, đoàn Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí số 1 toàn đoàn (lần thứ 6 liên tiếp, từ năm 2002 đến nay) với 175 HCV, 143 HCB và 157 HCĐ. Xếp thứ hai là đoàn TP.HCM với 128 HCV, 119 HCB và 143 HCĐ. Đoàn Quân đội có kỳ thứ 9 liên tiếp xếp vị trí thứ ba với 90 HCV, 82 HCB và 95 HCĐ.
Bên cạnh đó, công tác chuyên môn về thể dục thể thao trong năm 2022 cũng đã đạt được một số dấu ấn quan trọng đáng ghi nhận như Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được 65 HCV, 62 HCB, 56 HCĐ, xếp thứ 03/11 đoàn và lập 16 kỷ lục ASEAN Para Games 11 tại Indonesia; Bóng đá Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc, đội tuyển Bóng đá nam quốc gia thắng đội tuyển Bóng đá Trung Quốc tại vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, đội tuyển Bóng đá nữ giành quyền tham dự World Cup nữ 2023, đội tuyển Bóng đá U23 nam quốc gia và Bóng đá nữ giành huy chương vàng SEA Games 31; đội tuyển U23 nam lọt vào tứ kết U23 châu Á.
Các hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao đã có sự chuyển hướng, thích ứng an toàn trước dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó, việc tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh và 10 tỉnh/thành khu vực phía Bắc đã cho thấy kết quả về sự gia tăng về thành tích của các môn thể thao và đặc biệt là các môn thể thao Olympic, ASIAD, điều này thể hiện ở 53 kỷ lục Quốc gia, 96 kỷ lục Đại hội được xác lập và Đại hội TDTT các cấp được diễn ra sôi nổi tại các địa phương, từ cấp xã phường, thị trấn đến cấp quận, huyện, tỉnh/thành, với kết quả có 9.374 xã, phường, thị trấn, 681 quận, huyện, 62 tỉnh/thành tổ chức Đại hội TDTT.
Bước sang năm 2023, Tổng cục TDTT tiếp tục tập trung đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác thể dục thể thao; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng, nâng cao thành tích thể thao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành đơn vị; Tiếp tục thực hiện phương châm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", song hành với việc "Kiện toàn mô hình, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính".
Trong đó, ngành đặt ra 3 nhiệm vụ đột phá gồm xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới sau khi có Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự lãnh đạo, quản lý của cơ cấu tổ chức mới; Tăng cường xây dựng thể chế, chính sách về TDTT nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển ngành trong trong giai đoạn mới; Chuẩn bị chu đáo lực lượng vận động viên tham dự và đạt thành tích cao tại SEA Games 32 và ASIAD 19.
Cùng với đó là 3 mục tiêu chính gồm: Hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án được giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; Phấn đấu số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,7%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 26,8%; Phấn đấu đạt từ 03 đến 05 huy chương vàng tại ASIAD 19 và giữ vững trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu tại SEA Games 32.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, thành công của ngành thể thao năm 2022 có được là nhờ sự đoàn kết, khoa học, những tính toán, kế hoạch cụ thể… Những thành tích trên phải đánh đổi bằng trí óc, công sức, mồ hôi, nỗ lực và chiến lược được hoạch định tỉ mỉ. Đây là bài học cần rút ra để tiếp tục thực hiện, đạt được thành công trong những năm tiếp theo.
Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới đây, để các môn thể thao đạt được sự chuyên nghiệp và phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế thể thao, Tổng cục TDTT cần rà soát lại hệ thống văn bản, phân công các công việc cụ thể, đưa ra các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội… tạo được sự đồng thuận trong tất cả các cấp.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng lưu ý về công tác chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu quốc tế trong những năm tiếp theo: "Tôi đề nghị các đồng chí xây dựng kế hoạch theo thứ tự chóp tầng, đưa những gì tinh hoa nhất lên cao nhất. Đề nghị Tổng cục TDTT sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể mà trước mắt là SEAGames 32. Ngoài ra, việc đạt được thành tích ở ASIAD là điều cần thiết. Đó là cơ sở tạo sức bật đạt thành tích ở Olympic".
Cuối cùng, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ: "Chúng ta phải luôn ý thức được mình là cán bộ đại diện cho ngành thể thao. Dù có khó khăn chúng ta vẫn phải thực hiện sứ mệnh cho sự phát triển của thể thao là tận tâm, cống hiến cho ngành. Năm 2022 đã kết thúc với nhiều thành tích đáng ghi nhận thì năm 2023 chúng ta cần duy trì những điểm tốt và phát huy để có được thành tích cụ thể".
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao tặng Huân chương lao động cho hai cá nhân đã có những đóng góp cho sự nghiệp thể thao nước nhà.
Cũng tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm 2022.