• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Giám đốc Kim Oanh Group nói gì trước thông tin chậm cấp sổ đỏ cho khách hàng?

Pháp luật 03/05/2020 14:15

(Tổ Quốc) - Trước những thông tin nhiều chiều về các dự án mà doanh nghiệp của mình đang triển khai thời gian qua, mới đây, bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kim Oanh đã lên tiếng giải thích.

Vì sao doanh nghiệp chậm cấp sổ?

Về một số thông tin cho rằng doanh nghiệp của mình đang chậm giao sổ đỏ cho người dân tại 2 Dự án Cầu Đò và Mỹ Phước 4B (TX Bến Cát, Bình Dương), bà Kim Oanh khẳng định, trong kinh doanh bất động sản, có khi gặp những vướng mắc không phải do lỗi của doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Kim Oanh Group nói gì trước thông tin chậm cấp sổ đỏ cho khách hàng? - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kim Oanh cho biết sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Cụ thể như tại dự án Cầu Đò đã được phê duyệt 1/500 từ năm 2017, trong dự án có tuyến đường hướng tuyến cây Cầu Đò 2 đi qua dự án. Với mong muốn địa phương thông thoáng giao thông và để cùng phát triển nên doanh nghiệp đồng ý bỏ đất làm đường mà không tính vào chi phí khấu trừ, còn làm thêm bờ kè mặt sông sát dự án. 

Tuy nhiên, địa phương sau đó lại thay đổi hướng tuyến, đấu nối vào vòng xoay An Điền, để đấu nối qua ngã Ba Lò Bò. Lúc này, doanh nghiệp lại phải xin điều chỉnh lại từ đầu, hiện nay cơ quan nhà nước đã cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.

“Lấy ví dụ như vậy để thấy nếu có sự chậm trễ cấp sổ cho khách có thể là lỗi khách quan, chứ hạ tầng và các công trình đã hoàn thành, sổ đỏ doanh nghiệp đã có, đất đã đóng tiền cho Nhà nước, chẳng doanh nghiệp nào lại muốn để chậm cho khách” - bà Oanh cho biết.

Đối với dự án Mỹ Phước 4 gồm hai khu A và B. Bà Kim Oanh cho biết, Khu A đã được cấp sổ và Khu B cũng đã được duyệt 1/500, hiện doanh nghiệp đã làm hạ tầng cây xanh đầy đủ. Do mở rộng đường, mở rộng cải tạo con kênh sạt lở ô nhiễm, đầu tư cây cầu nối từ dự án ra QL13 và doanh nghiệp thực hiện các hạng mục trên mà không lấy bất kỳ đồng nào của Nhà nước. 

“Sau khi doanh nghiệp làm xong thì phát sinh 2 vị khách có dấu hiệu giăng bẫy tự ý xây chui hai căn nhà trên miếng đất công xen kẹt rồi tố cáo. Liên quan đến 2 đơn kiện này, phía doanh nghiệp đã thiện chí gửi thư mời, gọi điện, đăng báo và đến tận nhà ở Huế và Bến Tre nhưng không nhận được bất kỳ hợp tác nào” - bà Oanh nói.

Cũng theo nữ lãnh đạo doanh nghiệp Kim Oanh, sự việc này nhiều năm mà chưa có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp, khiến dự án bị chậm cấp sổ, chưa hoàn tất pháp lý.

Cam kết đảm bảo quyền lợi của khách hàng

Cũng theo bà Đặng Thị Kim Oanh, dư luận thời gian qua có thông tin cho rằng doanh nghiệp của bà do đi vay vốn nên chậm bàn giao sổ đỏ cho khách hàng tại Dự án Cầu Đò. Về việc này, bà Oanh khẳng định: “Dự án Cầu Đò chúng tôi không vay vốn, doanh nghiệp hiện đang giữ sổ đỏ và cam kết sẽ bàn giao đúng tiến độ”.

Đối với Dự án Mỹ Phước 4B, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group cho biết, trong thời gian 1 tháng nữa nếu không xử lý vướng mắc của 2 khách hàng nêu trên thì doanh nghiệp sẽ tách phần đó ra và đề nghị tỉnh cho làm những phần còn lại để ra sổ sớm cho khách hàng.

“Doanh nghiệp đã thực hiện hạ tầng hoàn thiện, công trình sổ đỏ thổ cư thì không có lý do gì mà không ra sổ cho khách hàng, doanh nghiệp cũng khẳng định quyền lợi khách hàng là đầu tiên” - bà Kim Oanh nhấn mạnh.

Nữ Tổng Giám đốc này một lần nữa khẳng định, nếu sau 12 tháng không ra được sổ cho khách hàng tại Dự án Mỹ Phước 4B thì doanh nghiệp sẽ thực hiện theo hợp đồng, hoặc khách hàng có nhu cầu thì doanh nghiệp sẽ đổi sang những dự án mới.

Bà Oanh thông tin thêm, cho đến tận thời điểm này thì chưa có bất kỳ một kết luận kiểm tra, thanh tra nào khẳng định Tập đoàn Kim Oanh vi phạm điều gì. Những quy chụp đối với doanh nghiệp trong thời gian qua là không đúng sự thật.

Bị khởi kiện mới biết mình bị chơi xấu

Liên quan đến vụ việc Công ty Thiên Phú tại dự án Hòa Lân, ngày 25/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đồng thời, C03 cũng ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với ba bị can: Bùi Thế Sơn (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú), Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 BLHS. Ông Tấn và ông Trọng là hai PGĐ của Thiên Phú, được xác định là đồng phạm giúp sức.  

Sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 27/3/2020, Bộ Công an đã tổ chức thi hành các Quyết định và Lệnh với 3 bị can nêu trên. 

Được biết, trước đây Thiên Phú là chủ đầu tư Dự án Hòa Lân. Tuy nhiên, do thế chấp dự án vay tiền và không trả được nợ nên năm 2015 Thiên Phú đã bàn giao tài sản là Dự án Hòa Lân cho Agribank để bán đấu giá trả nợ. 

Sau khi trúng đấu giá, Kim Oanh thực hiện các nghĩa vụ như thanh toán tiền đấu giá, đền bù, nộp thuế thay Thiên Phú. Thiên Phú cung cấp danh sách 15 hộ dân bị thu hồi đất, được cấp nền tái định cư. Các hộ dân này thỏa thuận quy đổi nền tái định cư thành tiền. Vì tin tưởng, Kim Oanh đã trả tiền theo danh sách mà Thiên Phú cung cấp.

Thiên Phú đồng ý với kết quả bán đấu giá, ký vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, ký biên bản đo đạc, bàn giao đất cho bên mua đấu giá trúng là Kim Oanh. Nhưng sau một thời gian dài, đầu năm 2019, Thiên Phú lại khởi kiện đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại dự án.

Bị Thiên Phú khởi kiện, Kim Oanh thu thập hồ sơ thì mới biết trong 15 hộ dân mà Kim Oanh chi trả tiền tái định cư, chỉ có 1 hộ là có thật, 14 hộ còn lại là “ảo”. Cuối năm 2019, Kim Oanh tố cáo hành vi chiếm đoạt gần 30 tỷ của Thiên Phú đến cơ quan công an.

Doanh nghiệp đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi

Nhận định về nguyên nhân mà doanh nghiệp mình trở thành mục tiêu tấn công như vậy, bà Đặng Thị Kim Oanh cho rằng, có thể do doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đầu tư hiệu quả, có tầm nhìn, nên trở thành “miếng mồi” của những đối tượng có âm mưu xấu, cạnh tranh không lành mạnh.

Về những bất lợi mà doanh nghiệp mình phải chịu từ việc cạnh tranh không lành mạnh, bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết, những sự việc vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, theo bà Oanh thì từ khi các luồng thông tin bất lợi liên tục kéo đến, công ty gặp nhiều khó khăn như việc nguồn khách hàng bị sụt giảm.

Ngoài ra, ngân hàng cũng e ngại không cung cấp vốn vay cho doanh nghiệp thực hiện dự án khác. Cùng với đó các dự án mà công ty đang triển khai thì bị dừng hết, tổn thất về uy tín, tinh thần của nhân viên là rất lớn.

“Là một doanh nghiệp, tôi luôn nhận thức rằng doanh nghiệp mình làm đúng và cạnh tranh lành mạnh. Khi mà sự cố một số thông tin bất lợi xảy đến trong thời gian qua, tôi không lường trước được sự việc nó lại diễn ra đến mức như vậy” - bà Oanh giãi bày.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Kim Oanh, doanh nghiệp của bà đã có đơn kêu cứu, phản ánh sự việc đến Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo TW, Cục Báo chí (Bộ TT&TT).

Được biết, tiền thân của Tập đoàn Kim Oanh là Công ty CP Dịch vụ TM&XD Địa ốc Kim Oanh. Sau 11 năm hoạt động, Tập đoàn Kim Oanh đã hình thành nhiều đơn vị thành viên như: Công ty CP Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM.

Nhóm PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ