• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 53,2 tỷ USD

Kinh tế 28/09/2019 09:12

(Tổ Quốc) - Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng chủ yếu đạt được từ tăng giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 53,2 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đã tăng 2,7% so với cùng kỳ.

231635_xkts8thang

Hình minh họa

Cụ thể, xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,53 tỷ USD, tăng 8,6%. Còn nhóm nông sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD, giảm 7,2%; thuỷ sản ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2%. Có 6 nhóm/sản phẩm có giá trị XK trên 2 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8%); cà phê (2,1 tỷ USD, giảm 21,8%), gạo (gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%), hạt điều (2,4 tỷ USD, giảm 5,4%), rau, quả (2,15 tỷ USD, giảm 4,3%), tôm (2,4 tỷ USD, giảm 8,0%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23,16 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường giảm, đặc biệt thị trường Trung Quốc (ước giảm 8%), EU (ước giảm 6,5%); giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra....đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2018.

Về thủy sản, mặc dù, thời gian qua ngành đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của EC, nhưng tiến độ để giải quyết dứt điểm việc gỡ "Thẻ vàng" của EC đối với đánh bắt hải sản Việt Nam còn chậm. Trong khi đó,  một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát tại các cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá theo yêu cầu. 

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất thúc đẩy các lĩnh vực, sản phẩm có ưu thế, triển vọng thị trường để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn dòng chảy và nguồn nước hồ chứa; đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn...; tăng cường kiểm tra và đảm bảo an toàn đê sông, đê biển, các công trình thuỷ lợi. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, trong đó có việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước./.


Thành Trung (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ