(Tổ Quốc) -Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vậy khi trả lời báo chí sáng 18/7.
Theo ông Phúc, việc ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường đăng ký quốc tịch Malta không ai biết. Tới khi hoàn thành bầu cử mới biết.
“Điều đó hoàn toàn bất ngờ. Không ai biết và khi cơ quan chức năng báo mới biết” – ông Phúc nói.
“Nói bà Hường kê khai không trung thực thì cũng đúng nhưng trong hồ sơ không có mục nào bắt kê khai quốc tịch cả. Trong hồ sơ xin rút thì lý do bà Hường đưa ra là xét thấy không đủ điều kiện, xin thôi không làm ĐBQH nữa. Đơn của bà Hường gửi sau phiên họp của Hội đồng Bầu cử quốc gia thứ 7” – ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: “Điều đó hoàn toàn bất ngờ. Không ai biết và khi cơ quan chức năng báo mới biết” |
Được biết, bà Hường là một trong 31 ứng cử viên do Trung ương Mặt trận Tổ quốc giới thiệu và là một trong cơ cấu hai đại diện doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi, ngoài việc vi phạm Luật Quốc tịch thì việc không xác nhận tư cách ĐBQH của bà Hường còn lý do nào không, ông Phúc cho hay, tới giờ này thì mới có lý do đó và phát hiện ra thì xử lý luôn, còncơ quan chức năng vào cuộc thì chưa biết thế nào cả.
Ông Phúc cho hay, có thể bà Hường biết hoặc không biết hành vi vi phạm luật.
“Cũng có thể bà Hường hiểu người Việt Nam mình được hai quốc tịch. Trong khi luật quy định rõ: Công dân nước Việt Nam chỉ có một quốc tịch được công nhận. Khi anh có một quốc tịch thứ hai thì phải xin thôi quốc tịch kia. Xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài” – ông Phúc nói.
Với trường hợp như bà Hường, nếu là ĐBQH thì không xác nhận tư cách ĐBQH nữa. Và đương nhiên phải thu lại một quốc tịch.
Về việc rà soát các ĐBQH sau trường hợp của bà Hường, ông Phúc cho hay, đó là việc đương nhiên và sẽ làm từ nay đến hết nhiệm kỳ.
“Nếu như xác định có trường hợp nào vi phạm, kiểu như bà Châu Thị Thu Nga trong quá trình là ĐBQH, chúng ta vẫn làm. May mà luật mới vừa sửa, chứ như luật cũ, vào làm ĐBQH rồi mới biểu quyết tư cách ĐBQH thì phức tạp lắm” – ông Phúc nói../.
Song Đào