(Tổ Quốc) - Sáng 20/11, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi- PCTN) đã được Quốc hội thông qua với việc rút quy định về xử lý tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
- 20.11.2018 Bế mạc Kỳ họp thứ 6: Thảo luận, tranh luận và giải trình không ngừng
- 30.10.2018 Trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6: Chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ
- 29.10.2018 Chất vấn Kỳ họp thứ 6: Hỏi – đáp ngay thể hiện sự sắc sảo, nắm vững việc của tư lệnh ngành
- 11.07.2018 UB Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
- 06.09.2017 Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi: Vợ, chồng, con quan chức cũng phải kê khai tài sản
Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, điều về xử lý tài sản bất minh vẫn quy định như luật hiện hành. Tuy nhiên, các phương án khi đưa ra thăm dò ý kiến ĐBQH thì không có phương án nào đạt quá bán.
"Nguyên tắc của chúng ta là cái gì chắn chắn rồi, chín rồi thì đưa vào luật. Còn vấn đề chưa chín, chưa chắc chắn, ví dụ như biện pháp thu thuế hay đưa ra tòa để xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý khi thăm dò đại biểu đều không quá bán thì chưa quy định vào luật"- ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo. Ảnh: Nam Nguyễn
Về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên đặt vấn đề xử lý, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Kết quả, 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án; 32,16% tổng số đại biểu tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Do không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào Luật.
Với 452/465 biểu quyết tán thành (93,20% tổng số đại biểu), Quốc hội thông qua dự thảo Luật PCTN sửa đổi. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019./.